IMF và vai trò cố vấn tại Việt Nam

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

IMF và vai trò cố vấn tại Việt Nam Tân tổng giám đốc IMF Rodrigo de Rato Tân tổng giám đốc quỹ tiền tệ Quốc tế IMF Rodrigo de Rato đã tới thăm Việt Nam 24 giờ đồng hồ trong ngày 26/6. Việt nam là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm vùng Đông Á của người đứng đầu IMF, cũng là cựu bộ trưởng tài chánh Tây Ban Nha.

Thời gian là tiền bạc. Và điều này đã thể hiện rất rõ trong lịch trình làm việc của ông de Rato tại Việt Nam, khi dù chỉ dừng chân 24 tiếng đồng hồ, nhưng ông Rato đã đảm bảo là ông đã gặp được tất cả những người ông muốn gặp.

Ngoài cuộc gặp và làm việc việc với thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, các bộ như bộ Tài chính, bộ Kế hoạch đầu tư, tân tổng giám đốc IMF sẽ có các phút trao đổi, thảo luận với tổng bí thư ĐCS Việt Nam, và sau đó là thủ tướng Việt Nam.

Đài BBC đã phỏng vấn bà Susan Adams là đại diện của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Hà Nội, với câu hỏi đầu tiên là thưa bà thế đâu là chủ đề chính mang ra bàn luận trong cuộc gặp giữa Ngân hàng nhà nước Việt Nam và ông Rato

Susan Adams: Tôi cho rằng các chủ đề chính mà chúng tôi muốn đàm luận với phía Việt Nam là trước hết, mức tăng trưởng kinh tế khá, và khả năng giảm nghèo tương đối cao của Việt Nam. Hai mục tiêu này IMF đã hậu thuẫn VN kể từ năm 2001.

Chúng tôi cũng sẽ bàn về mức lạm phát đang có chiều hướng gia tăng, và chính sách mà chính phủ dự định sẽ đưa ra để kiềm chế chúng. Chúng tôi cũng bàn về phát triển mối quan hệ giữa IMF và chính phủ Việt Nam, để IMF có thể đóng vai trò một cố vấn đáng tin cậy trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

BBC Liệu ông Rato có nhắc đến bất đồng gần đây giữa IMF và chính phủ Hà Nội liên quan đến việc kiểm toán dự trữ ngoại tệ của ngân hàng nhà nước Việt Nam, bất đồng dẫn tới IMF kết thúc sớm chương trình trợ giúp tín dụng để giảm nghèo cho Việt Nam?

Susan Adams: Chắc chắn rồi, chủ đề này sẽ được nhắc đến trong hội đàm giữa IMF và giới chức Việt Nam. Nó là chủ đề luôn lẩn khuất đâu đó trong đầu chúng tôi, chưa có cơ hội để giải quyết, cho nên chắc chắc sẽ được nêu ra trong các buổi tiếp xúc.

Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh rằng chủ đề này sẽ không trở thành tâm điểm của các cuộc bàn luận giữa IMF và VN, vì thời gian qua chúng tôi đã bỏ tương đối nhiều thời gian bàn luận về nó mà không có kết quả, và chúng tôi không tin là hai bên sẽ đạt được giải pháp nào đó trong trước mắt.

Vâng nó sẽ là một chủ đề, tuy nhiên sẽ không đóng vai trò trung tâm trong bàn thảo giữa hai phía.

BBC Sang chủ đề Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, mà tin mới nhất chúng tôi mới nhận được từ Geneva là VN khó gia nhập tổ chức này theo thời hạn họ đưa ra là mùng 1 tháng 1 năm 2005, vì các đối tác quốc tế cho rằng đề nghị mở cửa thị trường và dịch vụ của VN đưa ra chưa đủ? Bà có nhận xét gì không

Susan Adams: Tôi cho rằng đây là một lập luận cần phải xem lại, vì tôi nghĩ một số báo chí đã đưa tin không rõ ràng về thời hạn VN gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới. Chính phủ Việt Nam đã nói nhiều lần là họ muốn gia nhập Tổ chức TMTG trong năm 2005.

Tức là họ không muốn xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, vì nước nào vì nằm ngoài WTO, lúc đó hàng hóa xuất đi sẽ bị hạn ngạch. Tôi cho rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội để gia nhập WTO vào cuối năm 2005.

Họ cần tham dự hai phiên làm việc nữa để hoàn tất các cuộc đàm phán song phương, và tôi cho rằng VN đang trên đường đạt được mục tiêu này.

Cho nên vẫn có khả năng là vào giữa năm 2005, Việt Nam sẽ hoàn tất bộ hồ sơ gia nhập, sau đó trình cho WTO để tổ chức này xem xét. Cho nên nói Việt Nam lỡ hạn gia nhập WTO vào năm 2005 có thể là hơi sớm, vì trên giấy tờ cơ hội vẫn đợi VN cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2005.

BBC Thưa bà ngoài chuyện chỉ số giá cả ở VN, hiện đang có chiều hướng gia tăng, thì IMF còn bàn đến những chủ đề khác liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô tại nước này hay không?

Susan Adams: Chủ đề kinh tế quan trọng khác mà tân Tổng giám có thể sẽ mang ra bàn luận là chất lượng của tăng trưởng tại Việt Nam.

Chúng tôi, một mặt có ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng, tỷ lệ giảm nghèo của VN, nhưng cạnh đó chúng tôi muốn thấy tăng trưởng cao – cần đi đôi với chất lượng.

Cạnh đó khi chúng tôi nhìn vào tỷ lệ vay nợ cao trong nền kinh tế, điều này đáng quan tâm, vì nếu tín dụng tăng nhanh như vậy thì có thể sẽ không có chất lượng.

Và chúng tôi muốn thấy chính phủ Việt Nam xem lại kỹ lưỡng cách thức họ hình thành đường hướng phát triển, coi xem quan hệ giữa cách chọn lựa các dự án hạ tầng và chiến lược dài hạn có cùng mẫu số chung hay chưa?



-- tuoitrevietnam (tuoitrevietnam@yahoo.com), July 21, 2004


Moderation questions? read the FAQ