Tiếng nấc của rừng........

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Tiếng nấc của rừng

K’ Tien

The Vietnamese really think that the best kind of Montagnard is a dead one.

Lionel Rosenblatt

“Tôi đã sống bẩy năm trên vùng thượng du của tỉnh Thanh Hoá, bên bờ con sông Mã, và đã bẩy mùa xuân chứng kiến những kỳ diệu của đất trời, núi sông và lòng mình. Đấy là một nơi hiểm trở, trại đóng ngay bên sườn núi trông xuống sông, bên kia sông là một bình nguyên nho nhỏ, rồi lại tiếp tục núi. Hai đầu sông được chắn bởi núi, bốn phiá toàn núi, gần xa đậm nhạt khác nhau”.

Chữ “trại” trong đoạn văn vừa dẫn là một trại tù, và người say mê mô tả cảnh “kỳ diệu của đất trời núi sông” là một tù nhân. Một người tù “quắt queo đói lạnh, tả tơi đứng bên sông núi”- suốt từ năm này sang năm khác - mới cảm nhận hết được lẽ chuyển đổi vi diệu của đất trời, để ghi lại được một đoạn văn diễm lệ:

“Mùa thu núi bỗng mơ màng. Bầu trời trong xanh hơn và núi như phủ mờ một làn suơng khói mỏng. Trời càng se lạnh núi càng xa cách, càng rời xa vẻ thực tế tầm thường để tự biến mình thành huyền ảo. Vào mùa thu sông Mã đã thôi gầm lên khúc độc hành, vẻ đục ngầu dữ tợn của mùa hè đã trôi mất, bây giờ lặng lẽ trong xanh để hoà hợp với dáng núi đang trong một chuyển cung yểu điệu. Trời, núi, sông và người cùng vào một cơn ngất ngây buồn như tiên cảm một nỗi lạnh tê đầy bất trắc. Các ruộng bắp ven sông đã úa vàng. Công việc thu hoạch mùa màng vào những buổi chiều mùa thu mang một vẻ đẹp cổ điển với ánh nắng vàng xiên xiên, lá bắp khô xào xạc, và bếp lửa nấu nước ở bờ ruộng vuơn cột khói lên cao...” (Phạm Xuân Đài. “Nét Xuân Sơn“. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ, Hoa Kỳ1994, 57-58).

Tôi sống xa nhà đã lâu, lâu đến độ tình hoài hương tưởng chừng đã chết; vậy mà bỗng thấy bâng khuâng khi chợt gặp lại được nét đẹp tiêu sơ, của những buổi chiều thu êm đềm, nơi quê cũ.

Tôi lái xe vượt hàng ngàn cây số, đến tận nơi tạm cư của nhà văn Phạm Xuân Đài, với hy vọng được nghe thêm chút đỉnh về Thanh Hóa - nơi mà ông đã sống hàng chục năm trời, và tôi thì chưa bao giờ có dịp ghé qua. Ông rộng lòng tiếp tôi nhưng sự hiểu biết quá hạn hẹp của ông về Thanh Hoá khiến tôi vô cùng thất vọng.

- Thế thành phố Thanh Hoá có nét gì đặc biệt không anh?

- Tụi này hình như không có dịp đi vào thành phố!

- Anh nói “hình như” có nghĩa là sao?

- Vào đến Thanh Hoá thì đã giữa khuya. Phần thì buồn ngủ, phần thì xe bị họ che kín bít bùng nên không biết là có đi qua thành phố hay không?

- Người dân Thanh Hoá có dễ mến không anh?

- Ờ...thì chắc cũng phải có nhiều người dễ mến chớ. Có cái là tụi này cũng chưa có dịp tiếp xúc...

- Trời, bẩy năm ở Thanh Hoá mà anh không gặp một người nào hết trơn hết trọi sao?

- Lâu lâu cũng có thấy vài người, ở tuốt đằng xa. Chắc là người Mường. Tụi tui không được phép đến gần nên cũng... hơi khó nói!

Tôi quầy quả bỏ về (xém chút xíu dám quên luôn đôi lời từ biệt) với ít nhiều giận dỗi mà không biết rõ ràng là mình đã giận ai. Vừa đi, tôi vừa dò dẫm chính mình và chợt nhận ra rằng mình đã giận tất cả - không chừa ai, kể cả bản thân. ....Con Tiếp........

-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), July 01, 2004

Answers

....Tiếp theo....

Ruộng bậc thang vùng Tây Bắc (Vỏ An Ninh)

 




Nói cho đúng ra thì nhà văn Phạm Xuân Đài không hề được sống ở Thanh Hoá. Ông bị nhốt ở nơi này. Ông từng có mặt ở đó mà gần giống như không. Đó chỉ là một cách hiện hữu âm thầm, mờ nhạt, mơ hồ và thoi thóp. Thanh Hoá - đối với ông - không là gì khác ngoài một khoảng đất trời “bốn phiá toàn núi“, và (thương ơi) chấm hết!

Nhưng nghĩ cho cùng thì ông Phạm Xuân Đài, và những người tù như ông, vẫn còn được coi là may mắn. Họ không hoàn toàn bị bỏ quên. Sau những mùa đông quắt queo vì đói lạnh (nếu còn sống sót) họ còn có cơ may được cho về, trở lại miền xuôi; sau đó, còn có hy vọng “chạy” thoát khỏi cái phần quê hương tù ngục của chính mình để làm lại cuộc đời - dù muộn. Phạm Xuân Đài đã có cơ may như vậy, và ông tin rằng mình được đồng loại quan tâm một cách chí tình - “như các thành viên của một gia đình lo cho nhau”. (“Từ Giã Việt Nam”, sđd, 152).

Dù hoàn toàn chia sẻ niềm tin yêu và sự lạc quan của nhà văn Phạm Xuân Đài về tình nhân loại, tôi không khỏi băn khoăn khi nghĩ đến những người còn ở lại nơi núi rừng Thanh Hoá - những người Mường mà nhà văn Phạm Xuân Đài đã nhìn thấy, từ xa, khi còn ở trại tù.

Họ vẫn còn ở đó, vẫn tiếp tục sống trong đói lạnh trên những bản làng xa. Họ đã sống âm thầm, tả tơi như thế từ rất lâu rồi nhưng không mấy ai để ý. Nếu không có dịp nói chuyện với nhà văn Phạm Xuân Đài, có lẽ tôi cũng đã quên luôn những đồng bào cùng khổ của mình nơi chốn cũ. Và đó là nguyên do khiến tôi hờn giận. Tôi giận dỗi vì sự vô tình của chính mình. Và những kẻ vô tình như tôi thì (ôi thôi) nhiều vô số. Xin đơn cử vài thí dụ, từ xa đến gần:

Trước hết, hãy nói qua về tác phẩm Shadows And Wind của Robert Templer, do Penguin xuất bản năm 1999. Nó được không ít người ca ngợi. Riêng tờ The Guardian đã khen tặng đây là “Một cuộc khảo sát tỉ mỉ và hấp dẫn về hiện trạng của Việt Nam (A meticulous and fascinating investigation into the reality of life in contemporary Vietnam). Lời khen ngợi này không có gì quá đáng. Cuốn sách để cập đến mọi vấn đề (nếu không muốn nói là ngõ ngách) và mọi giới người trong xã hội Việt Nam, từ cổ chí kim - chỉ trừ những người sắc tộc, ở cao nguyên.

Cùng với Shadows and Wind, một cuốn sách khác nữa viết về Việt Nam cũng cần được đọc là một tác phẩm mới của nhà văn Lê Thị Huệ. Theo tác giả, Việt Nam “là một xứ sở được nuôi dưỡng bởi tôm cá của biển cả và lúa gạo của đồng ruộng, dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hoá biển và văn hoá đất.“(...) “Văn hoá đất, hay còn gọi là ‘văn hoá lúa nước‘ của nguời Việt thường biểu lộ tính chống chọi, be bờ, bám trụ, bảo vệ khép kín.” (Văn Hoá Trì Trệ Nhìn Từ Hà Hội Đầu Thế Kỷ 21. Văn Mới, Hoa Kỳ 2001, 135-136). Nó khép kín và be bờ đến độ không những chỉ bài ngoại mà còn ... bài nội nữa. “Văn hoá lúa nước” dường như không chịu chấp nhận “văn hoá lúa rẫy”, nơi miền sơn cước. Trong suốt 260 trang sách của tác phẩm này, không có một dòng chữ nào đề cập đến những nguời miền núi.

Ở Việt Nam có một hiện tuợng khiến nhà văn Lê Thị Huệ rất phiền lòng là “...cây xanh Hà Nội buồn làm sao ấy. Cây xanh Hà Nội biền biệt tiếng chim.”(sđd 258).

Hà Nội (nói riêng) và những thành phố ở Việt Nam (nói chung) không chỉ thiếu sự bao dung đối với loài chim. Chúng khắt khe luôn cả với loài người. Chúng không có chỗ cho những người thuộc sắc tộc thiểu số. Họ cũng “biền biệt” nơi nào ấy. Tôi không nghe bất cứ ai nhắc đến họ và có lẽ cũng chả ai bận tâm về sự thiếu vắng này.

-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), July 01, 2004.

Trước Robert Templer và Lê Thị Huệ không lâu, một người cầm bút khác - sau một chuyến viếng thăm Việt Nam ngắn ngủi – đã viết những dòng chữ bịn rịn (muốn rơi nước mắt) như sau, khi từ biệt: "Hai tuần về bên kia quá ngắn, chưa đủ cho chúng tôi thấy hết đất nước Việt Nam và những con người sống chen chúc trên mảnh đất ấy. Từ một góc phố Biên Hoà tôi không thể biết đến nỗi niềm của người Bình Định ở miền Trung, không thể hiểu đuợc vui buồn của người Bắc Giang ở miền Bắc, và cũng không thể nghe được tâm sự của người Bạc Liêu ở miền Nam" (Hoàng Mai Đạt, Giữa Hai Miền Mưa Nắng. Văn Nghệ, Hoa Kỳ1999, 287).

Tấm lòng của ông đủ rộng để ôm ấp tất cả mọi người, thuộc đủ ba miền đất nuớc. Nhà văn Hoàng Mai Đạt chỉ quên có vài ... triệu người dân ở miền cao. Mà họ cũng là người Việt, cũng “vui buồn”, cũng có “nỗi niềm” và “tâm sự” chớ bộ?

Tại sao như thế nhỉ ? Vì “xa mặt” nên “cách lòng” chăng? Mà theo Encarta (http://encarta.msn.com) thì Việt Nam có đến năm mươi sắc dân miền núi khác nhau, với ngôn ngữ và phong tục dị biệt, chiếm đến một phần bẩy dân số chứ đâu phải ít.

Sự xa cách này (không dưng) khiến tôi liên tưởng đến những ngày tháng lưu đầy của người tù Phạm Xuân Đài. Ông từng sống ở Thanh Hóa mà cũng như không. Sự hiện hữu của Phạm Xuân Đài ở nơi này rất mơ hồ, âm thầm, mờ nhạt và thoi thóp. Những người dân miền núi, dường như, cũng thế. Họ không sống ở Việt Nam. Họ chỉ bị giam hãm ở nơi này.

Nếu thỉnh thoảng có những nguời tù trốn trại thì đôi lúc cũng có vài nguời dân miền núi lạc xuống đồng bằng. Người thứ nhất tên Pờ Diệu Ninh. Đây là cô “học trò nữ đầu tiên của dân tộc Hà Nhì, xã Xính Thầu được xuống huyện, xuống tỉnh để học.” Thứ hai là em Vừ Thị Xy, người dân tộc Mông, ở bản Pó Chạ, tỉnh Sơn La. “Cả bản Pó Chạ chỉ có mỗi mình Xy đi học...và em là một trong 4 học sinh dân tộc theo học ở trường trung học phổ thông Năng Khiếu của thị xã Sơn La.”

Những dòng chữ in nghiêng, và được để trong ngoặc kép ở đoạn văn dẫn thượng, được trích từ bài phóng sự “Những Bông Hoa Của Núi Rừng” của báo Nhân Dân (số ra ngày 18 tháng 4 năm 2001, đúng bẩy mươi sáu ngày, sau khi có cuộc nổi dậy - lần thứ hai - để đòi quyền sống của những người dân cao nguyên).

Trước đó không mấy khi người ta đọc được một bài phóng sự có cái tựa văn hoa, mỹ miều, và “đậm đà bản sắc dân tộc” như thế - ở tờ báo thổ tả này. Thường chỉ là những mẫu tin lạnh lùng và khô khốc - đại khái như sau, về số lượng học sinh thuộc dân tộc thiểu số được tuyển chọn vào đại học:" Các dân tộc Ba Na, Cà Dong, Chu Ru, Cà Tu, Hà Nhì, Xê Đăng, Thổ Chỉ có từ hai đến ba học sinh đạt tiêu chuẩn. Đáng chú ý, mỗi dân tộc: Cơ Lao, Xtiêng, Giáy, Cơ-ho, Lào, La Chí chỉ có một học sinh đủ tiêu chuẩn cử tuyển vào học các trường đại học, cao đẳng" (nhật báo Nhân Dân số ra ngày 9 tháng 12 năm 2000).

Trời đất, thê thảm tới cỡ đó lận sao? Nửa thế kỷ qua, người cộng sản đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác đối với dân tộc Việt; riêng với tội diệt chủng những sắc dân thiểu số ở cao nguyên, tôi trộm nghĩ, họ không phải là những kẻ duy nhất chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chúng ta (chắc chắn) cũng sẽ bị kết án là can tội đồng loã. Im lặng trước tội ác là đồng loã, chớ còn gì nữa?

K’ Tien

-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), July 01, 2004.

Moderation questions? read the FAQ