Nhan dinh cua nha Su hoc Duong Trung Quoc ve Viet Nam

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

"Đừng ngồi trong nhà và đóng tất cả cánh cửa lại" 07:09' 14/05/2004 (GMT+7) (VietNamNet) - Cho rằng "chúng ta chưa sẵn sàng để hội nhập lớn", ĐB QH, nhà sử học Dương Trung Quốc trong thảo luận chiều 13/5 đã có bài phát biểu đầy tâm huyết với lời thông điệp: "nếu chúng ta vẫn thoả mãn với bước đi chậm rãi, chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu!"... Chúng tôi xin đăng toàn bộ ý kiến của ông để bạn đọc có thể chia sẻ với tâm tư của ông - một người làm sử. Chúng tôi coi rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân ông.

''Nếu sau này các nhà sử học tập hợp các bản báo cáo Chính phủ liên tục qua các kỳ họp Quốc hội như những nguồn sử liệu để nghiên cứu về một thời đã qua, họ sẽ dễ dàng nhận ra một sự tăng tiến không ngừng với những con số rất cụ thể nhất là về GDP. Nhưng họ cũng sẽ thấy được sự lặp lại như một chứng bệnh kinh niên những vấn đề được liệt kê trong phần kiểm điểm để hạn chế yếu kém. Phần này luôn được trình bày một cách rất thành khẩn kèm theo nhiều giải pháp khắc phục rất cụ thể nhưng không mấy khi xác định được tính hiệu quả về thời gian và không nhiều vấn đề được dứt điểm.

Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Trong bản báo cáo nào cũng thấy một loại hình thành tích đã tạo thành bản lĩnh của chúng ta là khả năng vượt khó hay thoát hiểm. Nói cách khác là chúng ta rất thiện nghệ trong thực hiện những giải pháp tình thế. Đó là quán tính của một dân tộc đã từng trải trong chiến tranh nhưng điều đó không thể trở thành một lề lối thích hợp với công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá và hội nhập. Điều đáng tiếc là trong bản báo cáo của Chính phủ đã không định vị được toạ độ của chúng ta đang ở đâu trên một lộ trình phấn đấu gắn sự phát triển của đất nước với thế giới, đặc biệt là trong mối tương quan với quốc gia khác trong quá trình hội nhập. Nói cách khác, chúng ta đang ở đâu trên thế giới này?

Từ khi mới lập chế độ Dân chủ cộng hoà, Bác Hồ đã luôn luôn động viên dân tộc ta phải vươn lên trong mục tiêu sánh vai với các cường quốc năm châu. Tự tin rằng, nếu chúng ta không buộc phải cầm súng đánh giặc hơn 30 năm, chúng ta đã có thể làm được điều đó. Một phong trào xoá nạn mù chữ và giáo dục toàn dân, một cuộc bầu cử với nguyên tắc nam nữ bình quyền là những thành tựu có tầm vóc sánh với năm châu bốn biển vào thời điểm cuộc chiến tranh thế giới vừa kết thúc. Và dân tộc chúng ta đã vượt tới tầm cao trong sự nghiệp chiến tranh giải phóng, Điện Biên Phủ và Chiến thắng Mùa xuân năm 1975 cũng là tầm vóc mang tính toàn cầu.

Giờ đây, trong xây dựng hoà bình, chúng ta khiêm tốn lấy những quốc gia trong khu vực làm mục tiêu để vươn tới và tự trong thâm tâm của chúng ta đã cảm nhận được sự khó khăn như thế nào trong cuộc phấn đấu ấy. Bởi lẽ các quốc gia ấy không phải là những mục tiêu tĩnh, họ cũng đang phát triển, thậm chí phát triển vượt bậc. Thu hẹp khoảng cách đã là khó, bằng và vượt được họ lại càng khó khăn gấp bội phần, trong khi đó đặc điểm của công cuộc hội nhập là một cuộc cạnh tranh trong một môi trường, một sân chơi, một luật lệ kinh tế thị trường. Trong cuộc cạnh tranh này, chúng ta lại còn phải chứng minh được tính ưu việt, tính hơn hẳn của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đọc báo cáo của Chính phủ, tôi thấy nó không cho người đọc hôm nay, cũng như những nhà sử học trong tương lai thấy được toạ độ, và mục tiêu cải thiện vị thế của nước ta trên trường quốc tế vào thời điểm này. Ai cũng biết rằng năm 2004 này có một vị trí quan trọng vì chúng ta đã đứng trước ngưỡng cửa của năm 2005, năm mà chúng ta mong muốn hội nhập mạnh mẽ với thế giới với mục tiêu sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ai cũng biết đằng sau cánh cửa của WTO là cả muôn vàn cơ hội nhưng cũng là muôn vàn thử thách. Cơ hội chỉ đến với ai đã được chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng vào cuộc còn thách đố sẽ luôn lôi chúng ta vào cuộc với tất cả sự khôn lường đối với những ai chưa từng đi.

Buổi chiều sau phiên họp trù bị của Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, chỗ chị Tôn Nữ Thị Ninh, đã bố trí chúng tôi gặp một nhà báo Hà Lan, điều mà họ quan tâm là Việt Nam đã sẵn sàng cho sự hội nhập lớn vào WTO chưa? Một kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa, một Nhà nước do một Đảng lãnh đạo sẽ vào cuộc chơi đầy thử thách này như thế nào? Tôi biết Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, có nhiều nỗ lực cho mục tiêu này, các doanh nghiệp càng lo sốt vó khi tiếng cồng vào cuộc sắp vang lên. Nhưng trong bản báo cáo kỳ họp này, dấu ấn của thời điểm đó có ý nghĩa rất mờ nhạt. Chính phủ có nói đến việc đang chỉ đạo xây dựng Luật Khuyến khích và bảo hộ đầu tư áp dụng thống nhất cho đầu tư trong và ngoài nước, nhờ đó quyền kinh doanh và đầu tư nước ngoài sẽ được mở rộng phù hợp với cam kết mở cửa thị trường ra nhập WTO. Đang có nghĩa là chưa, và sẽ có nghĩa là chưa biết đến bao giờ!

Báo cáo của Chính phủ có một đoạn nữa: ''Cần chủ động đối phó với các rào cản do các nước phát triển đã và sẽ tiếp tục đặt ra cũng như việc bỏ hạn ngạch hàng dệt may của các nước thành viên WTO vào 2005. Tình hình khách quan đòi hỏi chúng ta phải tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị ra nhập WTO, khẩn trương xúc tiến đàm phán đồng thời chủ động xắp xếp lại sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả của năng lực cạnh tranh''. Tất cả vẫn chỉ là những khẩu hiệu và mệnh lệnh! Trong một bản báo cáo mà thời điểm là chỉ còn hơn 1 năm nữa là chúng ta bước sang năm 2005, sau những kinh nghiệm của thị trường nước ngoài về con cá, con tôm, thì ở trong nước, chỉ có một hãng dược phẩm lộng hành nhờ thế độc quyền, tiếp tay cho một số người trong ngành y tế đã làm cả xã hội bức xúc, làm khốn khổ không những chỉ dân nghèo!

Sau khi đọc bản báo cáo của Quốc hội, chúng tôi có cảm giác rằng, chúng ta chưa sẵn sàng để hội nhập lớn. Chúng ta mới yên tâm trên một tiến trình tự tiến, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Đó là điều rất đáng mừng nếu chúng ta ngồi trong nhà và đóng tất cả cánh cửa lại. Khi đi về địa phương viết lịch sử xã, các vị lão thành kể rằng, trước chỉ có lý trưởng mới có cái xe đạp cà tàng, nay nhà nào chí ít cũng có một cái xe đạp, có thanh niên phóng cả xe máy. Đó là bằng chứng của sự phát triển. Nhưng những vị ấy không có khi nào để mắt ra khỏi ngôi làng của mình và yên tâm về sự phát triển ấy. Đôi khi thuốc an thần cũng có hại nếu chúng ta dùng quá liều, quá lâu! Đã đến lúc chúng ta phải luôn đặt mình sánh với thiên hạ, dù chưa sánh nổi đến vai của họ nhưng chúng ta dám đứng cạnh họ, phấn đấu thì mới có cơ hết tụt hậu!

Khả năng định vị và dự báo về chúng ta đối với yếu tố thế giới chưa được phản ánh trong báo cáo của Chính phủ. Việc mới đây chỉ vì thiếu thông tin và không phản ứng kịp thời đối với giá gạo đã gây thiệt hại không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân là một bằng chứng. Chúng ta phải giải mã được những mâu thuẫn trong sự đánh giá, như trong thuyết trình của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa nêu ra trong kỳ họp này. Trong khi chúng ta tự hào chưa có quốc gia nào có hệ thống cơ sở y tế từ Trung ương đến thôn bản như chúng ta thì cũng trong bản thuyết trình này tôi biết chúng ta đứng thứ 189/191 về mức công bằng tài chính, nhà nước cũng chỉ đáp ứng chưa đầy 1/4 nhu cầu của người dân theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới trong khi đó chúng ta phải chứng minh đựoc sự ưu việt của nhân tố định hướng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Nguy cơ tụt hậu và phấn đấu chống tụt hậu mà chúng ta thường nói đến chưa được phản ánh trong báo cáo của Chính phủ. Quốc hội cần có cơ hội bàn tới những vấn đề vĩ mô không chỉ thu hẹp trong vấn đề giá tiêu dùng trong đó có giá thuốc, giá thép... hay vấn đề thu ngân sách và nợ đọng trong xây dựng còn quá lớn như trình bày trong báo cáo mặc dù đó là những vấn đề rất bức xúc của toàn xã hội. Nhưng tầm vĩ mô là còn phải tìm ra con đường ngắn nhất để bước tới. Bên cạnh những giải pháp kịp thời, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh tạo những bước đột biến để đi tắt đón đầu mới mong từng bước cải thiện căn bản vị thế tụt hậu của chúng ta.

Chúng ta nói nhiều những thắng lợi của SEA Games trên phương diện tổ chức và thành tích thi đấu đó là điều đáng được ghi nhận. Nhưng theo tôi, tôi thấy một chỗ yếu trong bản lĩnh của chúng ta, bộc lộ sự hiếu thắng nhiều hơn là sự kiên cường. Chỉ một trận thua sát nút đội bóng Thái Lan trong trận Chung kết, chúng ta như quả bóng xì hơi, được huy chương bạc lẽ ra là quá xứng đáng và vinh dự nhưng chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh mọi người kể cả một số quan chức đã bỏ về không thực hiện một số thủ tục của nước chủ nhà. Hình ảnh rã đám trên sân bãi và hình ảnh đáng hổ thẹn trên sân bãi mà nhiều người đã được chứng kiến. Chúng ta không biến thất bại thành lòng khát khao chiến đấu mà thành sự chán chường. Cả bóng đá của chúng ta giờ đây không xứng đáng với chiếc huy chương bạc nữa. Chúng ta không biến thất bại thành lòng khát khao chiến đấu mà thành sự chán chường. Trong khi đó, chúng ta thấy Thủ tướng Thái Lan quyết tâm mua 30% cổ phần của đội bóng lừng danh Liverpool, đại diện cho nền bóng đá tiền tuyến của thế giới để đánh bóng cho thương hiệu Thái Lan và tăng tốc cho bóng đá của vương quốc này vươn tầm ra ngoài khu vực. Điều đó không thể không gợi cho chúng ta suy nghĩ về những bước đi mạnh mẽ của thiên hạ trong hội nhập để suy ngẫm về mình hay sao?

Điều đáng mừng là đã xuất hiện những nhân tố mới trong đó có tầng lớp doanh nhân, đặc biệt là tầng lớp dân doanh. Tính năng động của họ gặp môi trường chính sách hỗ trợ tốt của Nhà nước chắc chắn sẽ là nguồn lực lớn cùng với việc chỉnh đốn những doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phẩn hoá không chừng sẽ tạo ra những bước đột biến. Sự thu hút có định hướng nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nhân tố tiềm ẩn nếu được phát huy. Đó là nhân tố và lực lượng duy nhất mà chúng ta đạt niềm hy vọng vào thời điểm này.

Nhân đây tôi cũng xin đề cập đến nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề tư tưởng văn hoá. Đó là chúng ta phải chủ động có kế hoạch sớm cho những hoạt động vào những ngày lễ lớn trong năm 2005, điều mà trong báo cáo Chính phủ không hề có một chữ ngay cả trong phần liên quan đến văn hoá và thông tin. Chúng ta đã có quá nhiều bài học do luôn triển khai công việc theo lề lối nước đến chân mới nhảy, khiến cho nhiều hạng mục có liên quan, nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật được tổ chức không đủ thời gian vật chất để đảm bảo chất lượng. SEA Games 22 và ngay cả kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy phần nào điều đó. Một bộ phim mà chúng ta đầu tư ngót 1 triệu USD buộc phải thực hiện trong thời gian không tới nửa năm, một tượng đài để đời lớn nhất nước được triển khai không đầy một năm. Tôn tạo cả một di tích như Điện Biên phủ mà gần sát đến ngày kỷ niệm mà vẫn bộn bề như một công trường lớn. 50 năm Điện Biên Phủ ở Pháp người ta tổ chức hội thảo từ cuối năm 2003 và in sách trước đó vài năm. Tuy các hoạt động này không phải những dự án lớn về tiền bạc nhưng tầm quan trọng về tính toàn quốc đòi hỏi phải có một cách nhìn và chỉ đạo dài hạn cho ngành văn hoá và các ngành có liên quan.

Tóm lại, tôi mong rằng bản báo cáo sắp tới của Chính phủ, bên cạnh những nội dung như thông lệ, Chính phủ có thể nêu ra một vài vấn đề có tầm vóc lớn hơn, một vài sáng kiến có tính chất đột phá. Để Quốc hội có thể thảo luận, đóng góp với Chính phủ, vạch ra những chính sách giải pháp lớn đúng với chức năng của Quốc hội là quyết định những vấn đề quan trọng, chứ không phải chỉ thực hiện chức năng giám sát đối với nội dung văn bản Chính phủ giải trình.

Thế hệ làm nên chiến thắng cuộc chiến tranh cứu nước nói rằng, lúc trai trẻ hàng ngày họ đi qua thành cửa Bắc và nhìn thấy hai lỗ đạn đại bác của thực dân mà thấy thấm nỗi nhục mất nước, nuôi chí giải phóng đất nước. Liệu từ nay, nếu trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày chúng ta thông báo bên cạnh giá vàng, giá USD, nhiệt độ thời tiết có thêm thông số về thứ hạng nước ta trong nền kinh tế thế giới, số tiền chúng ta đang vay nợ thì chắc chắn vì thấm nỗi nhục nghèo hèn mà chúng ta nuôi chí vươn lên. Không có động lực ấy chúng ta vẫn thoả mãn với bước đi chậm rãi, chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu!''

Dương Trung Quốc

-- Tuan Anh (tt3sta@yahoo.com), May 13, 2004

Answers



-- (tosu_cs@yahoo.com), May 14, 2004.


Who gives a fuck.

-- rocknow (asdf@fdsa.com), May 16, 2004.

Moderation questions? read the FAQ