Những Người Con Gái Bị Lãng Quên Của Trường Sơngreenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread |
Những Người Con Gái Bị Lãng Quên Của Trường SơnTùng Phượng (VNN)
Ngồi xem thiên phóng sự "Những người con gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh" chiếu trên đài France 5 của Pháp lúc 3 giờ 45 chiều hôm thức sáu 5/3/2004, mà lòng không cầm được sự xúc động, thương cảm dâng lên tràn mí mắt, xen lẫn một chút bất nhẫn.
Nữ phóng viên Laurence Jourdan đưa ta về quá khứ của một thời khói lửa mù mịt, bom đạn ngập trời, về với thập niên 60 khi Hồ Chí Minh kêu gọi thanh niên tham gia vào cuộc chiến tranh "giải phóng miền Nam". Để phục vụ cho cuộc chiến tranh này, người ta đã xẻ núi, lấp sông làm nên tuyến đường chạy dọc hai bên Trường Sơn từ Thanh Hóa vào Nam, "Đường mòn Hồ Chí Minh". Hàng vạn thanh niên nam nữ, những người mệnh danh là "thanh niên xung phong" đã được huy động để xây dựng và sửa chữa con đường ấy. Dù ngày nay người ta đang xây dựng đường cao tốc ở đây, nhưng hình ảnh rùng núi điệp trùng đã khiến cho ai thấy cũng phải rùng mình. Nói là "đường mòn", nhưng không phải là những lối đi nhỏ bé len lách giữa rừng già; nhưng là cả một hệ thống "đường cái" rộng khoảng 3 mét, xe vận tải và xe tăng có thể chạy được. Ngày nay, người ta tổng kết lại hệ thống "đường mòn Hồ Chí Minh" dài đến 20.000 kilômét.
Thiên phóng sự được thực hiện năm ngoái, tức là 28 năm sau khi im tiếng súng để nói về một số người, một thời đã là "con gái" của đội quân "tình nguyện" hơn 150,000 chị em bị đưa ra tiền tuyến năm 1965, lúc họ còn ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Họ đã "xung phong" lên đường khi đương độ xuân thì. Ngày nay, họ đã là những bà già trên dưới sáu mươi đang lầm lũi đi vào cuối thu của cuộc đời. Họ kể lại cuộc sống gian khổ, hiểm nguy khi họ thi hành "nghĩa vụ" trên tuyến đường chiến lược hãi hùng này. Hồ Chí Minh và đảng cộng sản phải duy trì bằng mọi giá con đường này tể tiếp tế tăng viện cho bộ đội của họ trong Nam. Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam đã dùng không quân để phá hủy cho bằng được con đường tiếp vận này. Trên con đường đó, trong suốt cuộc chiến, hàng trăm ngàn tấn bom đủ loại đã được ném xuống. Thế mà, trên con đường đó, người ta vẫn duy trì luôn luôn có hàng trăm ngàn "cô gái Trường Sơn", túc trực sửa đường, lấp hố bom để thông xe. Họ được tổ chức thành từng đoàn dưới sự chỉ huy của cán bộ, đóng tại những căn cứ sát với con đường. Vừa dứt tiếng nổ, khói lửa còn nghi ngút, họ đã túa ra đường, tay cuốc, tay xẻng... Họ gọi nhau ơi ới, gọi nhau để xem còn ai, mất ai... gọi nhau để "khẩn trương" ra làm nhiệm vụ... Có nhiều người không thể đáp lại lời họ gọi, vì đã vĩnh viễn ra đi, hay trúng thương nằm quằn quại trên vũng máu. Cuộc sống của chị em không chỉ có hiểm nguy vì bom đạn. Theo lời bà Đinh thị Hợi, bà Nguyễn Thị Vân và hầu như tất cả các bà được phóng viên phỏng vấn đều nói về tình trạng bệnh tật của những người "con gái Trường Sơn". Sốt rét đã khiến họ thân xác rã rời, đầu rụng hết tóc, mặt bủng da chì... Ông Huỳnh Công Anh trước từng chỉ huy một đơn vị thanh niên xung phong gồm toàn là gái đã cho biết, khi mới ra đi, các cô xinh đẹp, da dẻ trắng mịn... Hình ảnh tài liệu, dù mang tính tuyên truyền khi trước, cũng cho thấy những cô gái mỹ miều trong bộ quần áo kaki mầu xanh. Nhưng chỉ sau đó ít lâu, người ta không còn nhận ra họ nữa. Họ bị nhiều căn bệnh dày vò. Ngoài bệnh sốt rét ác tính, còn những bệnh phụ nữ và nhất là bệnh tâm thần tập thể. Họ không còn dáng người nữa... Không biết có hẹn hò gì nhau trước không mà các bà được phỏng vấn đều ít nói đến những gian khổ trong thời gian lăn lóc trên Trường Sơn. Họ kể nhiều về cái thời gian cay đắng khi họ trở về làng cũ.
Thời gian họ phải phục vụ trên con "đường mòn Hồ Chí Minh", trung bình vào khoảng từ 4 đến 5 năm. Phải chăng là lòng "yêu nước" của tuổi trẻ, phải chăng vì những lời kêu gọi của ông Hồ, những lời kích thích trên loa tuyên truyền của chế độ, phải chăng vì sự o ép của chính quyền địa phương, họ đã "hi sinh" những năm tháng tươi đẹp nhất đời họ nơi rừng thiêng nước độc, nơi bom đạn hãi hùng. Đến lúc thân xác họ đã khô kiệt sức thanh niên, khô kiệt nhựa sống vì đói khổ, vì bệnh hoạn, vì thương tích..., người ta đã trả họ về nguyên quán. Những tưởng họ sẽ được xóm làng hân hoan đón mừng họ như những anh hùng trở về từ mặt trận. Nhưng họ đã gặp phải một sự thờ ơ, lãnh đạm, nếu không muốn nói một sự gờm nhớm, ruồng rẫy của xóm làng. Lúc họ ra đi, nhan sắc đang lúc mặn mà, bao kẻ dòm ngó. Nay vẻ mặt tiều tụy, tóc tai sơ sác, thân xác ê chề... Mỗi ngày hay cách ngày, cơn sốt rét còn hành hạ họ, lết đi không muốn nổi. Không ai còn muốn nhìn họ nữa. Người ta lánh xa họ như những kẻ cùi hủi.
Họ đã lỡ thời ở lứa tuổi 24, 25 ! Những người đồng trang lứa với họ, những người con trai yêu họ độ nào đã đi ra chiến trường hết rồi. Có kẻ chưa về, có kẻ đã chết... Ở quê họ chỉ còn cụ già, em bé và đám cán bộ đứng tuổi đã có vợ con. Họ không thể kiếm được tấm chồng. Vì thế, cho đến ngày hôm nay, hầu hết họ vẫn sống "độc thân". Họ đau buồn. Rồi họ lo sợ. Lo sợ lúc về già lấy ai nương tựa? Xin con nuôi là một việc rất rắc rối và khó khăn! Họ đã phải cắn răng, dẹp hết tự ái, tự trọng, bỏ sang một bên gia phong, lễ giáo, tìm kiếm một người đàn ông để có thai với họ, kiếm lấy mụn con. Theo lời kể của một bà, đôi khi phải trả tiền cho người đàn ông để được hắn cho đứa con. Cũng có bà cho biết là đã nhờ "Hội Phụ Nữ" kín đáo môi giới !... Đây là việc làm lén lút và tủi nhục. Làng xã khinh khi, lời ra, tiếng vào. Có bà tâm sự: "Lúc mang thai, cũng có người hỏi, nhưng không dám tiết lộ. Rất sợ những người đã có vợ, có con rồi. Thành ra, lắm lúc muốn phá thai. Nhưng nghĩ lại thì lại không dám giết cái bào thai trong bụng...". Họ nhẫn nhục ôm cái bào thai ân huệ cho đến kỳ mãn nguyệt khai hoa. Sinh đẻ một mình. Nuôi con một mình. Không có một sự giúp đỡ nào cả. Đứa bé lớn lên trong sự trêu chọc của bạn bè trong trường, trong xóm. Ngày nay, có đứa sắp vào đại học mà mẹ nó chưa dám cho nó biết cha nó là ai. Trong căn nhà nhỏ, hai mẹ con lủi thủi ôm nỗi cô đơn tủi hờn. Phải chờ đến năm 1986, tức là 11 năm sau chiến tranh, người ta mới tu chính bộ luật hôn nhân, cho phép phụ nữ độc thân được có thai. Nhưng luật này cũng không ngăn được lờ ong tiếng ve làm tổn thương người mẹ cũng như đứa con.
Được trả về nhà, những người thiếu phụ của đội quân "thanh niên xung phong" này không phải chỉ chịu thiệt thòi về mặt chồng con, Họ còn gặp nhiều cảnh trái ngang vì họ đã chẳng còn gì. Họ được tặng danh hiệu "năm không". Không chồng, không con, không cha mẹ, không nhà cửa, không chế độ. Bốn cái không đầu thì đã rõ. Cái không chế độ mới đau đớn. Vì họ là "thanh niên xung phong", tức là dân sự, họ không được hưởng chế độ đãi ngộ hay quy chế của "cựu quân nhân". Những tưởng cái tổ chức của đảng cộng sản là "Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh" phải có trách nhiệm đối với họ. Nhưng Đoàn đã phớt lờ, đã chẳng đoái hoài gì đến họ và cũng chẳng bao giờ nhắc nhở đến họ. Hay là bây giờ họ đã gần 60 tuổi rồi, nên không còn là "thanh niên" nữa ? Cũng lại phải chờ đến năm 1997 tức là hơn 30 năm sau khi đưa họ vào Trường Sơn, Nhà Nước mới có chế độ đối với những người đàn bà đáng thương này.
Dù có chế độ đãi ngộ, thì những người phụ nữ bị lãng quên của "đường mòn Hồ Chí Minh" vẫn thuộc diện nghèo khó, thiệt thòi nhất xã hội. Nhiều người trong họ nay đã nghỉ hưu. Họ tụ tập năm, sáu người thuê chung một căn hộ để sớm tối có nhau, nâng đỡ nhau những lúc bệnh hoạn, khó khăn... Có người đã nương vào cửa Phật và nay là ni sư. Số phận người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh và sau chiến tranh tràn đầy nước mắt. Dù ở miền Nam hay miền Bắc, họ bị thiệt thòi như nhau. Mới đây, trên một trang web của Đài Loan, người ta còn bán đấu giá phụ nữ Việt Nam. Thấy mà đau xót, thấy mà phẫn nộ. Vì đâu mà phụ nữ Việt Nam đau khổ đến thế này?
-- Ke Si Bac Ha (ke_si_bac_ha@yahoo.com), March 12, 2004
Nước ḿnh c̣n nghèo nên phải vậy thôi anh KSBH ạ .Ko phải do lỗi của ai cả
-- communist (communist@yaheo.com), March 12, 2004.
hahaha, "nuoc' minh` con` ngheo` "????? nhung may` quen sua~ rang` " nhung thang` dang vien la` giau` nhut' the gioi' ...."
-- HO CHI MINH MA CO (MoiRoCSBipBomHoChiMinh@damtac.net), March 13, 2004.