"......Má ơi đừng gả con xa Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu....."greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread |
Theo thống kê chính thức, tính đến cuối năm 2003, có hơn 65.000 phụ nữ Việt Nam được cấp giấp phép nhập cảnh vào Đài Loan để "làm dâu...". Con số này gấp đôi so với lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Trong các cô dâu đó, đến 63,5% ' lấy chồng qua hoạt động môi giới....." ( báo Tuổi Trẻ 27-12 2003)"......Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu....."
Trong lịch sử nước ta có thời nào nhà cầm quyền "bán bãi thu vàng" đẩy dân ra biển ??? Có chế độ nào đày dân làm "lao nô" để trả nợ đã vay mượn cho cuộc xâm lược tương tàn ??? Có khoảng lịch sử nào người dân "hồ hởi" lấy chồng xứ lạ để mong trả hiếu song thân, hy sinh một đời con gái để mong nuôi sống gia đình ??? Và chắc chắn chỉ có dưới chế độ "cháu ngoan bác Hồ", thiếu nhi "quàng khăn đỏ" mới bị bán làm điếm khi tuổi đời mới trên dưới 10 năm ???
Với những câu chuyện có thật, chúng ta theo chân những mối tình.... tang. Bên cạnh tiếng than ai oán của những anh nông dân miệt vườn hôm nay cùng những câu ca dao tân thời:
"...... Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc anh tìm biển Đông
Tìm chi cho nó mắc công
Đài Loan, Hàn Quốc em giông mất rồi....."
***
".....Lý - người dẫn mối xuất hiện, đằng sau lục tục đi lên 10 cô gái khác. Cô nào cũng trang điểm tóc tai bóng mượt, quần vẩy áo thun thời thượng. Tuổi sàn sàn khoảng từ 18 đến 20. Duy chỉ có gót chân nứt nẻ là không giấu được cái "gốc" lam lũ ruộng vườn.
Quay qua quay lại như trình diễn thời trang một vòng, Lý khẽ hất đầu, và điều bất ngờ của phiên chợ đặt cọc 500.000đ bắt đầu. Ông bạn giả Đài Loan của tôi há hốc mồm khi cả 10 cô không ai bảo ai cởi tất tần tật quần áo trên người, đứng im hướng ánh mắt nhìn chờ đợi về phía chúng tôi....."
Không giống như ngoài Hà Nội, thành phố Sài Gòn quanh năm là mùa cưới. Giữa cái nắng nóng 34 - 35 độ C, các đôi trai gái quần là áo lượt, mặt rạng ngời hạnh phúc dắt tay nhau trong công viên chụp ảnh.
Theo chân những đôi trai gái đang rạng rỡ hành phúc ấy, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những đám cưới khá kỳ lạ: chú rể người ngoại quốc hớn hở, tươi cười bao nhiêu thì cô dâu và lèo tèo mấy người họ hàng trông dáng lam lũ đi theo lại mặt ủ mày chau bấy nhiêu. "Không biết à, lấy chồng Đài Loan đó. Cô dâu buồn vì sắp phải rời quê hương xứ sở, còn họ hàng buồn vì tiền cheo cưới ít quá. Một ngày tại công viên Đầm Sen hay công viên Kỳ Hoà, vô khối đám cưới kiểu này..." - bác thợ chụp ảnh nói vội trong lúc chờ cô dâu sửa tóc.
Năm ba câu giải thích vội vàng, bác lại cuống lên chạy ra sửa dáng tạo kiểu cho cô dâu nội và chàng rễ ngoại, đưa tay tung đôi chim bồ câu trắng giữa bãi cỏ xanh, một "màn" trình diễn thơ mộng cổ điển nhất ở đây....
Đi tìm địa chỉ chọn vợ
Ở đất Sài Gòn này, "công nghệ lấy chồng ngoại" hiện đang được coi là thứ mốt. "Ngoại" ở đây chủ yếu là lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn. Trào lưu này có từ cách đây 4 - 5 năm, nay đã ít bớt hơn trước nhưng vẫn là niềm mơ ước của rất nhiều thiếu nữ thôn quê.
Nếu vườn hoa đường Lãnh Bình Thăng - cách đây 2 năm là điểm tập trung "hàng" từ khắp nơi đổ về. Dân địa phương gọi đơn giản là "chợ chọn vợ" vì các cô gái đánh phấn bôi son, tóc dài, nhuộm vàng đỏ quành quạch, đứng ngồi la liệt ở vườn hoa nhỏ xíu, còn những ông khách Tàu già có, trẻ có, lành có, tật có, thong thả đi "ngắm hàng", thông dịch, cò mồi thì chạy lăng xăng trả giá, giới thiệu. Bên ngoài xe gắn máy, xe hơi, xe taxi đậu la liệt. "Nói chung là quá ầm ĩ, quá lộ liễu và đã bị công an hốt hết, cấm không tụ tập."
Vì thế nên bây giờ, nơi đây được trả lại cái không gian "thanh bình, yên tĩnh" cần có. Nhưng tuyệt nhiên không thấy các cụ già hóng mát, không thấy thanh niên trai gái đến đây ngồi tình tự hay các em bé đến đây vui chơi. Tạt vào ngồi tại một quán cà phê, tôi thấy ánh mắt nhìn đầy dò xét chiếu thẳng vào người bạn giả Đài Loan của tôi từ một người đàn ông trung niên. Một thoáng thôi, người này lại quay chúi vào tờ báo đang cầm trên tay. Cô bán hàng lông mày tỉa kẻ chỉ đon đả lấy nước, rồi như tình cờ hỏi:
-Ổng này người nước ngoài hả anh?
-Ừ, Đài Loan, nó đi tìm vợ đó. Tôi dẫn ra đây nhưng không biết nên hỏi ai?
-Trông trẻ thế mà không lấy được vợ bên đó sao? Hay mắc bệnh gì nên không lấy được vợ? Mà ổng có biết tiếng Việt không ?
-Không biết đâu. Nó có thể tìm vợ cho bố, cho anh. Kể cả mắc bệnh mà muốn tìm vợ thì cũng bình thường. Mình làm thuê thì chỉ biết sai đâu làm nấy thôi, thắc mắc làm gì cho mệt em!
Nghe câu nói của tôi, ông bạn giả Đài Loan hơi trợn mắt, rồi lại ngồi im. Cô bán hàng sau một hồi hỏi han địa chỉ ở của chúng tôi, vểnh tai nghe ngóng, ý chừng là không hiểu câu chuyện tôi giả đò thông dịch lại, yên tâm về cái tên khách sạn rặt "tiếng Tàu" ở trong thành phố, cô đặt phịch cái khay xuống bàn rồi ngồi xệp xuống cạnh tôi, nhìn quanh quất thì thào:
-Em trông anh và ổng cũng thật lòng. Ổng muốn đi tìm thì anh để em dẫn cho. Em có mối nhiều "đào" lắm, chọn phê luôn. Chuyện anh em mình đâu có đó, em không để anh bị thiệt thòi đâu. -Xem ngay ở đây là tiện nhất!
-Không được, bọn em phải chuyển về khách sạn cho kín đáo, nuôi luôn "đào" ở đó. Anh muốn xem sơ sơ mặt mũi thì ở ngoài quán cà phê nào kín kín cũng được, em chở đến. Còn không, muốn xem kỹ - nhưng nói trước nếu muốn chọn "đào" như vầy là phải đặt cọc tiền trước - thì mới được cho vào khách sạn! -Xem kỹ đi, ở đâu, bao giờ?
-Tối nay, anh dẫn ổng lại đây rồi em chở đi.
Phiên chợ "kỳ quặc.... "
Đúng 7 giờ 30 tối, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn. Khách sạn đến có tên là Bình Minh, nằm sâu trong con hẻm cũng trên đường Lãnh Bình Thăng, cách vườn hoa không xa.
Tiền đặt cọc xem "đào" là 500.000đ. Đưa tiền cho cô bán hàng tên Lý, chúng tôi được dẫn thẳng lên tầng 4. Ngồi đợi trong một căn phòng rộng rãi chừng 10 phút, Lý xuất hiện, đằng sau lục tục đi lên 10 cô gái khác. Cô nào cũng trang điểm mắt môi, tóc tai bóng mượt, quần vẩy, áo thun rất thời thượng. Tuổi sàn sàn khoảng từ 18 đến 20. Duy chỉ có gót chân nứt nẻ là vẫn không giấu được cái "gốc" lam lũ ruộng vườn .
Quay qua quay lại như trình diễn thời trang một vòng, Lý khẽ hất đầu, và điều bất ngờ của phiên chợ đặt cọc 500.000đ bắt đầu. Ông bạn giả Đài Loan của tôi há hốc mồm khi cả 10 cô không ai bảo ai cởi tất tần tật quần áo trên người, đứng im hướng ánh mắt nhìn chờ đợi về phía chúng tôi.
Lý ngồi nhai kẹo cao su, gác chân đung đưa hỏi: "Anh hỏi ổng xem ưng em nào? Nếu muốn thì cứ xem kỹ đi, "đào" chỗ em không "mông má" gì đâu."
Quay sang "ông bạn vàng" đang tái mặt, tôi dịch lại câu nói, thấy ông bạn tôi lắp bắp mấy câu tiếng Hoa, chỉ tay vào một em. Không chờ tôi thông dịch, Lý cười cười quay sang mấy cô gái: "Thôi, xong rồi, hên cho tụi mày. Con Tân ở lại, còn chúng bay xuống nhà đi".
Quay sang tôi, Lý tươi cười nói: "Hôm nay đỡ quá, gặp ông này quá dễ tính. anh biết không, có lần xui xẻo gặp người khó tính, bọn em còn phải dẫn 2 ông Đài Loan đi xem tổng cộng 250 "đào". Kỷ lục của chúng em đấy!". Lý không hay ông bạn tôi đang bàng hoàng đờ người, chỉ muốn mau chóng kết thúc màn kịch bất đắc dĩ của mình.
Cô gái tên Tân mặc lại quần áo rồi khép nép ngồi cạnh chúng tôi, kể sơ qua lý lịch: người ở đâu, bao nhiêu tuổi, số đo 3 vòng - một bài học thuộc lòng không cảm xúc. Lý giọng sang sảng ngồi đối diện thoả thuận giá cả. Cái giá cuối cùng là 15 vé, tức 1500 tiền đô. Sau khi đưa cho Tân 200.000đ - như cho tiền típ, chúng tôi ra về. Ngoái lại nhìn cô gái - đang đưa lại cho Lý tờ 100.000đ, tôi thấy Tân khóc, không biết là mừng hay vui.
Chuyện kể của "món hàng sống"
Lấy cớ qua tìm hiểu lại tính tình, sức khoẻ của cô gái được chọn, xem có cần phải đổi lại người không, tôi được Lý cho gặp hỏi han Tân riêng một lúc.
Tân 20 tuổi, mới học hết lớp 4, quê ở Trà Vinh, nhà làm ruộng, con gái trong gia đình quanh năm "chổng mông cấy lúa tát nước". Tân nói còn ngọng lắm, giọng Trà Vinh nên nhiều khi tôi cứ phải hỏi đi hỏi lại. Nhìn cô gái còn rất trẻ, nước da mịn màng nâu hồng, mái tóc chắc mới cắt ngắn nên ngọn tóc vẫn còn thẳng cứng, không ai nghĩ là cô lại dạn dày trong vụ đi tìm chồng như vậy.
con tiep
| Report to admin | Speaking message | EmGaiVietNam AnChoi Little Bro (Sis)
Posts : 18 Reg : 02/23/2004
Date Posted: 03/10/2004 5:07 PM
--------------------------------------------------------------------------------
tiep theo...
Tân kể, cô đã ở khách sạn này 4 tháng, nếu sau 1 tháng nữa mà không được ai ưng là phải dạt sang nơi khác để đổi "đào" mới. "Biết tin em được như vầy chắc bố mẹ em mừng lắm, được mở mày mở mặt với hàng xóm!".
Nhà Tân nghèo, cả gia đình 6 người chỉ trông chờ vào ruộng lúa, nhưng không đủ ăn, thường xuyên coi như bị đói. Được người quen mách bảo, lại thấy gái làng lũ lượt ra thành phố kiếm vận làm dâu ngoại, bố mẹ Tân cũng đồng ý cho cô con gái xinh xẻo nhất thử thời vận, biết đâu đổi đời cho cả nhà. Ra đây đến 4 tháng mà Tân cũng không biết mặt mũi thành phố như thế nào, suốt ngày chúi trong phòng ở tập thể, chải chuốt nhan sắc, quần áo chờ người đến xem.
"Thế mỗi ngày em phải ra mắt khách mấy lần?" "Tuỳ ngày anh ạ, phải lúc là ngày lễ tết bên đó, khách Đài Loan sang nhiều lắm, có khi bọn em phải đi lên đó 2 - 3 lượt. Phải cởi hết quần áo. Mới đầu, bọn em ngượng không chịu. Chị Lý quát: "Ai không chịu thì sang nơi khác, phải như thế mới vào mắt khách được nhanh. Con gái hơ hớ sợ gì xấu". Thế là cũng nhắm mắt, trơ mặt. Lần cũng quen. Ai cũng dễ tính như ông chủ bạn anh đây thì phúc quá.
Có những lúc gặp người khó tính, họ còn nắn bóp sờ soạng chán, xem chân xem tay, xem răng xem lợi hàng tiếng đồng hồ chứ không phải nhanh. Đau cũng phải cười, cấm không được nhăn nhó. Chúng em có người quản lý, như ở đây là chị Lý. Không có đánh đập, nhưng cái gì cũng trừ vào tiền, thế là sợ hết. Đã vào đây là không ra được, vì mình bị nợ tiền đầu tư rồi.
Có khoảng 30 người như em, toàn là ở các tỉnh miền Tây về đây. Cũng tùy người, ai có nhan sắc thì được ưu tiên nhiều lắm: nào là đi mỹ viện, được học tiếng Hoa cấp tốc. Giá họ cao khoảng 3000 đô la. Em không biết tiếng Hoa, mà vợ chồng, cần gì "tiếng tăm" chị nhỉ. Ra hiệu rồi cũng hiểu hết.
Chị Lý bảo: Mày làm thế nào miễn nó cho tiền gửi về nhà là được. Bọn em thì chỉ được cắt tóc, sơn sửa móng tay, mua cho bộ quần áo thôi. Mà tiền này khi nào có người ưng là bị trừ hết. Cả tiền ăn ở cũng bị trừ..."
- "Thế thì hết tiền, còn gì gửi cho gia đình?".
Tân buồn rầu: "Bọn em tự nguyện cả chứ có ai ép buộc đâu. Có chị lấy chồng xong, ngoài đám cưới rình rang gia đình còn được đúng cái kiềng vàng 5 chỉ. Bọn em cũng biết là cò dẫn mối có khi hớt đến 2/3 số tiền khách đưa, nhưng vẫn chấp nhận hết. Vì biết đâu sang đó còn đổi đời. Tiếng vẫn là lấy chồng ngoại..."
Nói đến đây, mắt Tân mơ màng xa xăm. Rồi như chợt tỉnh khỏi giấc mơ đẹp, Tân hỏi tôi giọng tỉnh như sáo: "Anh ơi, nhà ông Đài Loan đó có giàu không hả anh?"...
Không biết trả lời Tân thế nào đây, nói rõ sự thật thì sợ lại một lần nữa làm tan vỡ giấc mơ của cô gái thôn quê ngây thơ? Còn mở lời khuyên Tân, biết đâu cô gái mới học lớp 4 trường làng đang ôm mộng làm giàu nhanh chóng lại cho là tôi bày đặt dạy đời.
Tân có biết đâu cuộc sống bên xứ người như thế nào. Có phải cứ sang đó là hốt được tiền. Người Đài Loan cũng phải làm việc cật lực, vùng thôn quê hẻo lánh cũng nghèo đói có khác gì Việt Nam. Và sự thật, nhiều khi chỉ sau đám cưới, sau những lời hứa hẹn là một sự thật kinh hoàng về cuộc sống nhà chồng: Chồng giả đến Việt Nam, chồng thật đang tật nguyền ở Đài Loan, rồi cảnh làm vợ chung cho cả gia đình nhà chồng tại những vùng thôn quê hẻo lánh...
Đa số những người Đài Loan sang Việt Nam tìm vợ là do quá nghèo, do sức khoẻ "không được khỏe" nên không thể kết hôn được ở chính quê hương mình. Đối với họ, cái giá để có được một người vợ ở Việt Nam quá rẻ mạt. Rẻ như "mất tiền mua mâm...", chỉ thương cho những cô gái không biết tiếng ngoại quốc, ở Việt Nam đã bị "chặt chém", sang Đài Loan như người mù bị thả giữa một cái chợ lạ xứ, lạ người.
Tôi có một người bà con học hết đại học, sang đó "lao động" rồi lấy chồng Đài Loan, hôm rồi vừa gọi điện thoại vừa khóc nức nở, vừa nghẹn ngào: "em bị lừa anh ạ, nó nhốt em suốt ngày trong nhà, đến địa chỉ cũng không nói, mà ở đây thì việc ai nấy làm, không can thiệp giúp đỡ kiểu như ở nhà, em muốn về Việt Nam quá... " Có học, biết tiếng Hoa còn vậy, huống hồ...
Bán "con" thời hiện đại....
Ánh đèn sáng rực. Ánh đèn lóe chớp liên tục. Sự nhộn nhịp của hơn 30 người quay phim chụp hình, làm không khí trang trọng như mấy cuộc họp báo của "nhà nước ta" cũng không bằng. Một buổi cưới tập thể của 17 cặp vợ Việt Nam chồng Đài Loan. Cũng champagne tràn ly, nhạc sống, heo quay, bánh cưới ba tầng... nhưng lạ sao, đám cưới lại thiếu vắng tiếng cười! Trung bình mỗi tuần người ta chứng kiến không dưới ba buổi cưới tập thể như thế....chỉ riêng tại Sàigòn.
Khách đến nhà hàng Đ., Quận 11, Sàigòn, ăn mặc tương đối lịch sự nhưng nhìn kỹ, nhiều người trong số họ vẫn không giấu nổi sự lam lũ . Ngồi vạ vật trước cửa nhà hàng, là cha mẹ, bà con của cô dâu.
Bà K - mẹ của cô dâu - phun bãi trầu ra tâm sự: "Buồn lắm cậu ơi, đám cưới của con mà như chạy giặc. Hơn 12 giờ vào ăn cưới xong là 1 giờ chiều phải lên xe đò về Sóc Trăng cho kịp chuyến... Cũng tại nghèo cả thôi". Mà không buồn, không đắng cay sao được khi mỗi gia đình có con gái gả cho Đài Loan chỉ được phép mời từ 10 đến 12 người.
Cách đây chưa đầy tháng, bà mối H. dáng người mập mạp, vàng đeo đỏ tay đã giãy lên như đỉa phải vôi khi thấy một gia đình nhà gái nọ lên dự đám cưới đến... 18 người. Giọng bà la bai bải: "Tui đã nói trước là chỉ 12 người thôi, đi đông vậy làm sao đủ tiền trả? Mấy người liệu mà ngồi ăn chung, tôi không có dư tiền mà đặt thêm đồ ăn đâu".
Một nhân viên nhà hàng cho biết: "Đám cưới thường được tổ chức vào buổi trưa, vì sẽ được giảm tiền so với buổi tối, gộp lại chừng chục cô dâu, mỗi nhà gồm 1-2 bàn, mỗi bàn chỉ 4 - 5 món với công thức "rẻ tiền, chắc bụng", là đủ được một đám cưới linh đình với một ban nhạc sống, được tặng miễn phí nếu đặt trên 15 bàn. Thậm chí có tiệc chỉ có một chiếc bánh cưới, con heo quay, 1 mâm quả chung, lần lượt từng đôi uyên ương "mượn" để chụp hình, quay phim".
Trong một đám cưới, một vị khách đằng gái xung phong hát bài "Bông điên điển" có câu: Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa... biết ngày nào thăm... đường xa em khó về.... có lẽ đã "chọc thủng" tâm sự đã dồn nén khá lâu của cô dâu. Đang vui vẻ cụng ly với người chồng Đài Loan, bỗng dưng cô ôm mặt khóc tức tưởi. Như phản ứng dây chuyền, cả ba mẹ, họ hàng cũng khóc theo. Đám cưới mà như đám ma, như một cuộc tiễn biệt không hẹn ngày gặp lại. Chỉ tội chú rể cứ đứng ngơ ngác không hiểu vì sao...
Cuối lễ cưới, những ông bà cha mẹ, tay chân hãy còn chưa sạch vết bùn, ngượng nghịu trong bộ áo sơ mi bỏ ngoài quần và đôi dép nhựa trắng, phải xếp thành một dãy đứng trên sân khấu để đợi đằng trai phát những cái bao lì xì đo đỏ. Rồi hình ảnh những cô dâu, viết chữ mẹ đẻ còn chưa thông, có những cái tên còn đặt "chất phèn" quê mùa: Út đẹt, Bé xíu... đang ngọng nghịu một cách khổ sở, cố gắng nhớ để hát những bài hát tiếng Hoa.
Thiên đường hay ảo vọng?
Số tiền mỗi cô dâu nhận được sau khi cưới trung bình khoảng 500 đô la, nhưng trên thực tế, con số này thấp hơn rất nhiều.
Cùng một người bà con trong vai đứa cháu 17 tuổi, muốn tìm chồng Đài Loan, tôi lân la tìm gặp bà mối Y, một phụ nữ trạc khoảng 40 tuổi: "Chưa đủ tuổi ở chỗ khác còn làm dễ, chứ ở đây thì khó lắm. Mà chú có quen đứa nào muốn lấy chồng Đài Loan dẫn lên gặp, tôi cho 1 triệu. Ở với tôi đứa lâu nhất cũng chỉ 3 - 4 tháng là đi liền, nhanh lắm".
Cô dâu Nguyễn Thị Út Đẹt - xã Mỹ Trà, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - nói: "Em mới chỉ học đến lớp 2, không có nghề nghiệp gì cả, lấy Đài Loan may ra có thể đổi đời". Cũng vì "ước mơ đổi đời" may rủi đó mà cho dù bây giờ số tiền gả con cho Đài Loan cũng xuống gần như đến mức thấp nhất nhưng vẫn còn nhiều người mộng tuởng.
Một cô dâu tương lai của Đài Loan thường được người môi giới đưa lên Sài Gòn nuôi cho học tiếng Hoa cấp tốc vài tháng, số tiền ăn, tiền ở, học này sẽ đuợc trừ lại sau khi được lấy chồng, rồi chờ người qua "lựa". Nếu như khoảng năm 1977, một gia đình có con gái gả cho Đài Loan được khoảng 3000 đô la, nhưng đến nay, giá đó còn không quá 200 đô la.
Khi tiệc vừa tàn là bà mối Y. tay cầm một cọc tiền đếm xoèn xoẹt đưa cho cha mẹ cô dâu. Một cuộc mua bán vừa hoàn thành. Liếc nhanh qua hoá đơn thanh toán: Con số ban đầu được ghi to nhất là 7000 đô la, sau đó là một hàng sọc dài các con số: tiền nuôi cơm, tiền học ngoại ngữ, tiền xe đưa rước, tiền đặt tiệc... và số tiền cuối cùng ông cha, bà mẹ đó nhận được là 3,1 triệu với lời an ủi của bà mối: "Vậy là khá rồi, có nhiều đứa cuối cùng chỉ còn 1,5 triệu thôi".
Một cái giá "bán con" thời nay. "Công ơn dưỡng dục cù lao" được đền bù với giá chưa đến 200 đô la. Rẻ thay chữ "hiếu" thời quá độ xã hội chủ nghĩa - tiến lên kinh tế thị trường của Việt Nam hôm nay. Đạo đức đâu còn để mà suy với đồi, nhân phẩm giờ là một món hàng xa xỉ. "Ngộ biến phải tùng quyền", vì thế chúng ta không nên trách các cô gái thôn quê phải bán thân để giúp gia đình, lại càng không thể nói gì hơn khi nhìn cảnh mẹ cha đành phải bán con cho người ngoại quốc. Họ cũng đau đớn lắm khi phải xem "núm ruột" của mình như một món hàng. Truyền thống và gia phong Việt Nam từ ngàn xưa đau có ai bán con vì tiền ? Gả chồng xa cho con, mẹ cha còn không nỡ, huống hồ đưa con đi đến một bến bờ xa lạ không biết có ngày nào gặp lại hay không ?
Hãy cùng nhau nhìn về một Việt Nam tương lai, để cùng nhau cùng quyết tâm chấm dứt chế độ vô nhân, tham nhũng thối nát nầy càng nhanh, thì đất nước nước ta mới sớm có cơ hội hồi sinh và nhân phẩm con người Việt Nam mới được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Còn nỗi nhục nào hơn nỗi nhục hôm nay cho phụ nữ Việt Nam?? Quy lỗi thì cuối cùng cũng chỉ vì Cọng sản.
-- Ke Si Bac Ha (ke_si_bac_ha@yahoo.com), March 12, 2004