Tôi Thấy Và Nghĩ Gì Khi Về Thăm Ðất Nước? P1greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread |
Con cò lại bay trên đồng ruộng xanhTre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm
Cùng mùi khói lam quen thuộc...
(Khi Tôi Về, thơ Kim Tuấn, nhạc Phạm Duy)
Hầu như còn rất ít người VN ở hải ngoại chưa một lần về thăm lại quê hương. Tôi là một trong những người về trễ, sau hơn 27 năm xa cách. Vì vậy những ghi nhận của tôi chắc không có gì mới mẻ, nhưng dù sao cũng vẫn cho tôi những cảm nghiệm riêng muốn ghi lại đây.
Những Giây Phút Ðầu Tiên
Tôi đặt chân xuống phi trường, dù đã biết trước mọi sự bây giờ đã đổi khác và dễ dãi hơn nhiều, tôi vẫn cảm thấy khó thở khi đứng trước mặt anh công an trẻ đang xét giấy tờ của mình. Anh hỏi gì tôi trả lời nấy, bảo sao tôi làm vậy, kêu đi thì tôi đi, bắt chờ thì tôi đứng đó. Không có trở ngại gì. Không mất đồng dollar nào. Tôi thấy những nhân viên làm việc ở phi trường này, khi tiếp xúc với người vừa đến hình như họ không biết chào hỏi và không biết mỉm cười. Gương mặt họ dề làm cho người đối diện cảm thấy …ngộp thở, lạ thật! Sau này gặp một vài Việt kiều khác cũng đang thăm VN cho biết họ đã thự động kẹp 5, 10 dollars vào passport và được tiếp đón rất niềm nở. À, thì ra thế!
Ðược báo trước là mùa này Saigon khá mát, nhưng vừa bước ra khỏi cửa phi trường là tôi đã khựng lại trước cái nóng hừng hực, và khựng thêm lần nữa trước cảnh ồn ào dù đã quá nửa khuya. Tìm chẳng thấy người ra đón cầm sẵn bảng có tên tôi để đưa về hotel, sau mới biết cái bảng viết chữ MiSS thì lớn mà tên tôi thì nhỏ xíu, mà người cầm bảng thì đứng lẫn vào đám đông. Ôi, nếu người ta thử đặt mình vào tâm trạng của người chân ướt chân ráo và ngơ ngác như tôi!
Ði qua những đường phố vào ban đêm, xe cộ khá thưa thớt, cuối cùng thì cũng về tới khách sạn. Ðúng như lời chị bạn tại VN đã dặn phòng dùm, có một phòng ngủ có giường đôi và máy lạnh, có phòng khách và 2 phòng tắm, giá chỉ có $15US/ngày,. Vì ”tội gì phải ở những chỗ 5, 6 chục đô cho uổng” nên chị đặt chỗ này thay vì giữ chỗ ở Grand Hotel như tôi nhờ chị. Thực ra đây là một căn phố 5 tầng xây kiên cố và phòng ốc được ngăn ra khá đẹp, nhưng sơn trên tường đã quá cũ, giường nệm quá sơ sài, khăn trải giường và khăn lông không được thơm tho sạch sẽ. Tôi quyết định ngủ ở đây 1 đêm cho biết, ngày mai sẽ dọn qua cái khách sạn kia sau. Hai đứa con tôi thì do đã tập ngủ theo giờ VN trong suốt chuyến bay dài nên chúng ngủ ngon lành, còn tôi chưa quen giấc nên trời vừa sáng là tôi mở của trước cửa sau để dòm xuống theo dõi sinh hoạt buổi sáng trên đường phố và trong mấy ngõ hẻm.
Lúc đầu chỉ có mấy người dọn hàng ăn trên vỉa hè như mì, hủ tíu, sữa đậu nành, và nhiều món ăn khác… Hàng nào cũng bốc khói nghi ngút. Lát sau, người và xe trong các ngõ túa ra, tràn ngập trên đường và vỉa hè. Hàng loạt xe gắn máy của người đi làm, đi học… Hình ảnh áo dài, áo sơ mi trắng phóng xe làm tôi nhớ lại một thời… Những em bé mặc đồng phục ngồi sau xe của bố mẹ làm tôi liên tưởng mình cũng đã có thể chở con đi học như thế, ở đây… Nhiều xe honda tắp vào lề đường, khách dựng xe xong liền ngồi xà vào những cái bàn và ghế kê lung tung trên vỉa hè, chờ những tô mì, hủ tíu bốc khói được đem đến…. Tôi như hoà vào các sinh hoạt này và cảm thấy như mình vẫn ở đây từ bao nhiêu năm nay, như không hề có thời gian hai mươi mấy năm xa quê hương gì cả. Kể cũng lạ!
Sau này sang Grand Hotel và trong chuyến đi tour tôi ở nhiều khách sạn sang trọng ở Hà Nội, Huế, Hội An… tôi đã không còn có dịp đứng trên bao lơn nhìn xuống xem sinh hoạt trên đường phố và vỉa hè nữa. Cám ơn chị bạn đã dặn chỗ ở bình dân này cho tôi. (còn tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 07, 2004
Một Vòng Phố SaigonSáng hôm sau mẹ con tôi chuyển qua Grand Hotel. Nhân viên tiếp đãi lịch sự, vui vẻ. Phòng ốc đẹp đẽ, đạt tiêu chuẩn. Giá cả phải chăng, bao luôn buffet buổi sáng, nên không tốn tiền kêu taxi ra ngoài ăn mà không biết ăn ở đâu. Sau khi ổn định rồi, một người gia đình tới dẫn mẹ con tôi đi xem phố Sàigòn.
Tôi nhớ ngày xưa gần lễ Giáng Sinh trời hơi lạnh vào buổi sáng, và đó là cơ hội hiếm hoi cho đám nữ sinh chúng tôi khoác ra bên ngoài áo dài trắng một chiếc áo len màu để làm dáng. Lần này khi sắp valise để về VN tôi cũng đem áo dài tay và áo lạnh, vì cũng có nghe nói mùa này mát hơn trong năm. Nhưng than ôi, giờ thì tôi ân hận đã không mang theo quần áo mùa hè!
Khoảng 10 giờ Sài gòn đã nắng gắt và rất nóng. Người và xe cộ ngập đường cùng âm thanh ồn ào ở một cường độ khá mạnh như làm tăng cái nóng vốn đã gắt. Với lượng xe như thế, nhiều nhất là taxi và xe gắn máy, người ta đi như đan vào nhau. Ở những ngã tư khi đèn xanh vừa bật là hai hàng xe ngược chiều liền đi xiên xéo vào nhau để mà… quẹo, không đi được thì ngừng, đan rối vào nhau thì… từ từ gỡ cũng ra. Thế mà người ta vẫn thản nhiên nhường nhịn nhau, chứ không bực bội la lối hay bóp kèn inh ỏi. Ðường phố như chật chội hơn xưa với những hàng cà phê vỉa đường, những gánh hàng rong, những mảnh plastic trải trên lề đường với hàng hoá bày lên trên để bán… Xe Honda đậu bên đường thành từng hàng chật khít. Thành ra đi xe cũng chậm rì vì phải lách, mà đi bộ thì như rùa bò vì cũng phải lách. Qua đường thì nếu chưa quen sẽ thấy quả là… hãi hùng vì phải băng ngang dòng xe gần như không hề ngừng nghỉ dù ở ngã tư. Nhưng quen rồi thì lại rất là khoái chí vì đường đầy xe mà ta cứ tàng tàng băng ngang, băng tới đâu xe phải lách mà tránh ta, vì quả thực xe đâu có đi nhanh được đâu mà sợ, người Saigon đi xe honda hai bánh và một chân luôn sẵn sàng… rà trên mặt đất mà!
Ði chợ bến Thành để mua vải may áo dài với một chị bạn quen vẫn ở tại Saigon. Chị trả giá cho nên tôi cứ việc lựa chọn, thế mà cũng muốn… điên cái đầu vì người ta chào hàng tới tấp, vừa mua ở hàng này xong thì gian hàng kế tiếp có món mình ưng ý hơn, lại lựa chọn, lại trả giá, lại mua…. Mà phải quyết định mua cho nhanh, không thì đi cho lẹ, chứ không phải thử tới thử lui rồi vui vẻ… cám ơn đi ra như ở shopping bên Mỹ đâu à nha. Mua xong rồi 2 chị em sà vào hàng bánh bèo Huế ăn đúng kiểu đi chợ ăn hàng và tôi chịu cái màn này hết mình.
Ghé Diamond Department Store, thấy rất nhiều hàng ngoại quốc và giá rất mắc, nên tôi chỉ vô khu tạp hoá mua một ít đồ dùng cá nhân do các hãng ngoại quốc sản xuất tại VN, giá cả cũng gần giống bên Mỹ. Một buổi chiều có người quen khác dẫn vào một đại siêu thị tên gì quên mất ở đường Cộng Hoà hơi xa trung tâm của Saigon. Tôi ngạc nhiên trước các quầy hàng trưng bày gọn gàng, lịch sự, hơn cả những siêu thị lớn của VN bên California. Trong khu thực phẩm, thấy rau đậu, légume cũng được đóng vào vỉ bọc plastic rất sạch sẽ và giá dĩ nhiên là cao, tôi thắc mắc làm sao ai dám mua, thì được trả lời rằng khách hàng là những người ngoại quốc hoặc Việt kiều làm cho các hãng ngoại quốc và cư ngụ tại đây.
Tôi cũng nhận thấy nhà hàng, quán ăn, quán vỉa hè… nhiều như nấm ở mọi nơi, mọi chỗ, và cứ buổi chiều là đông nghẹt. Nói chung Saigòn bây giờ đông gấp nhiều lần thời trước 75. Tôi cảm thấy ngộp thở khi phải đi từ nơi này tới nơi kia, và trong trí gợi nhớ một Sàigòn năm xưa đường phố không nhiều xe cộ và tương đối êm đềm. Vô vàn tiếc nhớ! Hỏi sao lại có hiện tượng đông đúc chật chội đến thế, và được cho biết phần do người ngoài Bắc vào, phần do người vùng quê hoặc kinh tế mới tràn về kiếm sống, nên mới đông như vậy. Sàigòn cũng được mở rộng ra rất nhiều và nay bao gồm những khu trước đây được coi là ngoại ô Saigòn.
Dự định ở Saigòn khoảng 1 tuần chờ ăn lễ Giáng Sinh xong tôi sẽ bay ra Hà Nội để nhập vào một nhóm người từ Canada và Mỹ về và sẽ cùng đi tour một vài nơi ngoài Bắc, xong bay ngược vào Huế và đi xuôi nam thăm Ðà Nẵng, Nhà Trang, Ðà Lạt, rồi ngưng ở Sàigòn. Trong thời gian này tôi đã đi về miền Tây thăm Cần Thơ, Bến Tre và ghé nhà người thân ở vùng quê… (còn tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 07, 2004.
Thăm Miền TâyÐây là lần đầu tiên tôi đi về phía Lục Tỉnh. Ðược hướng dẫn Lục Tỉnh gồm 6 tỉnh nào mà bây giờ tôi quên mất tiêu, chỉ còn nhớ Long An, Cần Thơ, Mỹ Tho… là những nơi tôi đi qua. Ðường xá được tân trang, đi không xóc nhưng chậm vì nhiều xe mà đường không đủ rộng. Cầu Mỹ Thuận được xây rất lớn và kiên cố thấy không thua gì freeway bên Mỹ. Ði qua những khu phố chợ nhiều hàng quán và sạp chợ, người đi xe kẻ đi bộ tấp nập, tài xế phải đi chậm hẳn lại. Tự dưng tôi thấy khung cảnh này gần gũi chi lạ. Có lẽ tại không ai có giờ để đi chung và tôi cũng không dám đi một mình mạo hiểm về khu nhà cũ của mình ở miệt Gò Vấp, nên đi tới đâu tôi cũng thấy như mình vẫn ở đó từ hồi nào tới giờ.
Trí nhớ tôi thật dở, lại không nghĩ mình cần đem theo sổ tay để ghi nên giờ chỉ nhớ mang máng. Xe ngừng lại ở ngã ba Trung Lương và có một cô hướng dẫn du lịch ra đón tiếp. Trời nắng gắt, thấy cô Lạc mặc áo dài trắng đội nón lá, tôi cũng ghé mua một cái đội lên đầu rồi cùng 2 đứa nhỏ và bố chúng xuống chiếc xuồng máy theo cô Lạc vào thăm Cồn Qui, Cồn Phụng… Ngành du lịch tại VN hiện nay hết sức thịnh hành. Cô Lạc tốt nghiệp về ngành du lịch, rành rẽ các địa phương và có thể nói tiếng Nhật, trong khi các bạn của cô chọn những ngôn ngữ khác để hướng dẫn du khách ngoại quốc. Cô dẫn chúng tôi thăm Cồn Qui là nơi có ông Ðạo Dừa tụ trì và hành đạo trước đây, vừa đi vừa giảng giải rất rành rọt. Ở đây có một nhóm ca cổ nhạc lúc nào cũng sẵn sàng chơi những nhạc cụ cổ truyền như đàn bầu, đàn tranh, và ca những bài vọng cổ ngọt ngào, mùi mẫn để cống hiến khách du lịch. Sau đó chúng tôi sang cồn Phụng thì cũng vừa tới giờ cơm trưa.
Tại Cồn Phụng có một trung tâm tiếp đãi khách du lịch với dịch vụ ẩm thực, trực thuộc một công ty du lịch của nhà nước và hình như công ty này cũng có cổ phần của tư nhân nữa. Công ty đó hoạt động tại rất nhiều nơi, bao gồm các dịch vụ chuyên chở, hotels, các địa điểm du lịch, nhân viên hướng dẫn, dịch vụ tiếp đãi, ăn uống, ca nhạc…. kể cả những chiếc xuồng tay, xuồng máy đưa chúng tôi đi tham quan cũng liên đới với công ty này. Trong khi đợi cơm, tôi tò mò tới gần khu vực nhà bếp xem một cô đang làm món xôi phồng. Trong một chiếc chảo không nhiều dầu cho mấy, cô dùng xạng và đũa bếp và hai tay luôn trở đều ‘quả bóng’ bằng xôi nếp đang căng phồng, tròn vo, đường kính cỡ 20cm. Cô chỉ làm mỗi lần 1 quả thôi nên tôi nhất định chờ xem cái quả bóng nếp căng tròn ấy được bắt đầu như thế nào. Thì ra cô chỉ vớt ra một mảng bằng bàn tay, dày độ 2cm, từ một dề xôi nếp nấu với đường, hơi nhão, được thả trong 1 cái chậu có nhiều dầu ăn. Cô thả mảng nếp này vào chảo dầu nóng và cứ thế lăn hoài cho nó tròn và phồng lên.
Chúng tôi dùng cơm trưa tại Cồn Phụng rất sạch sẽ, lịch sự và ngon miệng. Có rất nhiều phái đoàn du lịch ngoại quốc khác cũng đến và dùng bữa một lượt. Họ ngồi kín các bàn chung quanh và nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Cơm xong, chúng tôi theo cô Lạc đi thăm các vùng dân cư ở và trồng nhãn, xoài, dừa…. Họ bày bán những trái cây này bên đường. Có một xưởng làm kẹo dừa tại đây cho du khách vào xem họ nấu, cán, và gói kẹo. Sau đó chúng tôi dùng xuồng tay ra khỏi cồn Phụng, lên xuồng máy trở về đất liền và chia tay cô Lạc.
Buổi tối chúng tới Cần Thơ. Sau khi bỏ đồ ở khách sạn và tắm rửa, chúng tôi đi ăn tối trên chiếc Du Thuyền Cần Thơ. Thuyền nhổ neo khi thực khách đã ngồi kín các bàn và đợi món ăn. Hôm đó là kỷ niệm 10 năm của nhà hàng này nên chúng tôi được thưởng thức một màn ca nhạc và biểu diễn thời trang khá hấp dẫn. Trăng hôm đó cũng tròn và thật sáng, cảnh trăng nước thật là đẹp nhưng quá đông người và ồn ào nên tôi chẳng thấy thơ mộng tí nào. Ngồi trên boong tàu ăn uống đã xong từ lâu, bắt đầu buồn ngủ mà chưa thấy thuyền quay trở về, chúng tôi bỏ xuống tầng dưới. Tưởng ở đó vắng hơn, ai dè tầng dưới cũng có một màn ca nhạc khác và cũng đông như vậy. Bèn vòng ra mũi sau của tàu và quả nhiên vắng người, và nhân tiện khám phá ra có những chiếc xuồng máy nhỏ luôn chạy ra đón khách vào bờ nếu khách muốn về sớm. Thế là đi về đi ngủ! Chưa đâu, phải băng qua công viên Ninh Kiều cạnh bờ sông cái đã. Khuya rồi mà người vẫn còn đông, từng cặp từng cặp ngồi trên ghế đá nhìn sông nước bên nhau, và những người bán hàng rong đủ món ăn chơi vẫn mời chào người qua lại…
Sáng hôm sau lại lên xe đi tiếp về phía Rạch Sỏi, Kiên Giang gì đó để sắp nhỏ thăm ông bà nội lần đầu tiên. Ông bà cũng chưa hề biết mặt cô dâu 24 năm về trước mà nay đã gần 50 và chỉ còn liên hệ với ông bà qua những đứa cháu nội này. Xe đi qua con đường rất nhỏ dọc bờ sông, nhà dân chúng làm sát đường và một bên là nhà sàn làm ven sông. Nhà nào cũng mở cửa trước và ngồi trên xe có thể nhìn tuốt ra của sau, những căn nhà rất nhỏ với bộ bàn ghế sơ sài ở phía ngoài, còn gường ngủ và bếp núc chắc ở phía sau. Nhằm giờ trưa nên học sinh từ các trường túa ra đi dọc hai ven đường, một số em đón phà và đem cả xe đạp xuống đó để qua sông đi về nhà ở phía bên kia. Chúng tôi cũng phải xuống một chiếc xuồng máy để tới nhà ông bà nội sắp nhỏ. Bố sắp nhỏ sợ chúng khó chịu với cảnh nhà quê vì không quen, nhưng ngược lại chúng rất thích và đuổi theo những con gà con và những con chó nhỏ để chụp hình. Chúng tôi nói chuyện với ông bà nội và vợ chồng chú em rất vui trong suốt bữa cơm nhà quê thân mật, với gạo do nhà trồng, rau vườn và cá bắt dưới sông lên chiên dòn. Sau đó cả nhà ra vườn chụp hình kỷ niệm trước khi chia tay. Riêng tôi đã có được một tấm hình đứng bên bụi tre, đầu đội chiếc nón lá mua dọc đường… (còn tiếp)
Trở lại Sàigòn
Trở lại Sàigòn, trong khi chờ đón Giáng Sinh, mỗi ngày tôi vẫn dậy sớm, tắm gội và sửa soạn sơ sơ rồi xuống ăn sáng ở Chez Nouz của khách sạn với buffet gồm các món đông tây đề huề, từ omellete đổ tại chỗ, jambon, bacon, đến bánh cuốn, xôi, cháo trắng ăn với thịt chà bông… Trong khi mấy nhỏ còn ngủ và sẽ xuống ăn sau thì tôi thả bộ sang tiệm internet Café gần đó, đọc và gởi e-mail về cho gia đình. Giá ở đây rất rẻ, khoảng $1US/giờ, và không đến nỗi chậm lắm. Tới khoảng 9 giờ rưỡi là lúc bố sắp nhỏ tới như thường lệ thì tôi về lại khách sạn (anh có nhà riêng ở Gò Vấp và mỗi buổi sáng thường lên đón mẹ con tôi đi chơi). Chúng tôi kêu taxi đi lanh quanh Saigòn rồi đi ăn trưa. Buổi chiều về nghỉ chút cho sắp nhỏ ra hồ bơi, chờ tới chiều đi thăm người thân khi họ đã đi làm về, rồi lại đi ăn tối là hết ngày.
Về những bữa ăn ở Saigòn, tôi không thấy ngon miệng mấy, nhưng rất thích thú quan sát. Ða số tiệm ăn rất đông và ồn ào. Có những quán phở tương đối sạch sẽ, giá chưa tới $1US/tô. Nước phở ngon, chắc chắn là nhiều bột ngọt vì ăn xong tôi sẽ biết ngay với cảm giác cồn cào trong bụng và cái khát ở cổ. Bánh rất ít, thịt bò tái chín gì đều khá dai. Rau quế và ngò gai trông đã con mắt nhưng chỉ dám ăn vài cọng để tập cho cái bụng nó quen dần. Tiệm ăn thì do bố sắp nhỏ sống ở đây biết rành nên chúng tôi chỉ đến nơi nào có máy lạnh thôi, nghĩa là vừa mát mẻ vừa sạch sẽ. Cơm đập hay cơm niêu là món con tôi rất thích vì chúng vốn thích ăn cơm cháy, lại được nghe tiếng nồi đất được đập vỡ kêu đánh “soảng”, những mảnh sành rơi xuống để lộ một mảng cơm đường kính khoảng 12cm, dày độ 3,4cm, cái đáy tròn là một lớp cơm cháy dòn. Mấy chú dọn bàn biểu diễn tung hứng mảng cơm cháy một hồi trên chiếc đĩa để cho cơm cháy được dòn tan nhưng không bị cứng, sau đó bỏ ra bàn cho thực khách ăn với các món ăn bình thường như ăn cơm. Tôi có nghĩ tới cơm cháy mỡ hành nhưng không hỏi xem có hay không. Mẹ con tôi thường tìm trên thực đơn những món canh và rau luộc hay xào, và thường kêu món cá chiên, còn thịt thì chỉ gọi cho có, vì thịt heo thì cứng, thịt bò thì dai. Thịt heo kho thật nhừ thì thành sợi, xác chứ không mềm. Thịt gà tương đối ngon. Tôm cua ăn trong tiệm thường theo kí lô, mắc ngang ngửa giá bên Mỹ mua ở chợ, khoảng $4US/pound cua và $10US/pound tôm tươi còn đầu. Cơm nói chung hơi cứng chứ không dẻo và thơm như gạo Thái Lan mình thường ăn bên Mỹ. (Sau này ra Hà Nội và Huế, đồ ăn đặc sản có khác, nhưng các đặc tính chung chung vừa kể cũng y như vậy.)
Con tôi rất nhớ những món ăn VN mà chúng rất thích mỗi lần qua Calif., như sữa đậu nành, bánh cuốn, bánh bao… Thật khó để tìm những món này khi chúng tôi ăn ở những tiệm “có máy lạnh” như trên, vì đó là những món bình dân chỉ bán ở những tiệm nhỏ hoặc ở những xe bên lề đường mà dĩ nhiên tôi không dám mua cho con ăn. Bụng tôi thì không tới nỗi nào vì dầu sao cũng lớn lên ở VN và đã có đầy đủ chất miễn nhiễm cần thiết của môi sinh này, nhưng bụng của chúng thì bảo đảm là không kham nổi. May quá, bên khách sạn Bông Sen có lẽ người ta hiểu cảnh ngộ này nên có buffet Gánh, nghĩa là các nhân viên được giả làm những bà, những cô bán hàng với những gánh hàng đầy đủ các món ăn chơi, từ khoai mì khoai lang hấp, bánh xèo, gỏi cuốn, hột vịt lộn… cho tới những quầy nướng thịt và đồ biển thơm lừng.
Cũng chuyện ăn uống, những người bạn trẻ tôi quen trên Internet đã hẹn tôi tới Bình Qưới vào một buổi chiều… Ðây là một vùng ngoại ô mà taxi tôi đi phải băng qua khu Thanh Ða đang làm đường, xe đi trồi lên trụt xuống chậm như rùa nên mãi mới tới nơi. Rem, Rờ, Bơ, Ðá Cuội là những cái nick đã biết nhau cả năm trời trong “cõi ảo", nay lần đầu gặp nhau trong “cõi thật”, người và tên đều thật, nên có biết bao chuyện để nói. Khung cảnh nơi đây tháng mát, nhẹ nhàng… Rải rác khắp nơi là cây cảnh và những cái hồ đầy hoa súng, nước mặt hồ êm ả … Mấy đứa con tôi đi xục xạo một hồi rồi về báo cáo rằng có một “thảm cỏ kỳ lạ”, trông rất đẹp nhưng bước lên thì sẽ thấy bên dưới toàn là …nước. Tôi nghe không hiểu gì cả, thằng út 9 tuổi bèn nhất định đưa mẹ tới đó coi. Thì ra đó là một khoảng ao nhỏ phủ đầy …bèo tấm mà con tôi được thấy lần đầu tiên trong đời! Sau đó chúng tôi …nhập tiệc, nghĩa là kéo nhau la cà hết hàng quán này tới hàng quán khác, đầy đủ các món ăn chơi, tha hồ ăn mà không cần biết giá cả, vì đã trả tiền theo đầu người ở ngoài cổng rồi. Tôi kết món cá lóc nướng trui nên bưng tới bàn của mình đầy đủ bánh tráng, rau sống, mắm nêm… ăn thật ngon miệng, trong khi các bạn kia ăn món gì tôi cũng chẳng biết nữa. Con tôi ăn bò bía và cơm nắm với muối mè… Bàn ghế kê la liệt là những chiếc chõng và ghế rất thấp làm bằng thanh tre, ánh đèn trên cao toả xuống chỉ đủ sáng lờ mờ, đúng là ăn theo kiểu cơm hàng cháo hàng chợ mà ngon hết biết. Lại có cả màn hò lơ và ca cải lương sống động nữa. Chúng tôi phè phỡn ở đó mãi đến tối mịt mới chia tay.
Về chuyện đi lanh quanh ở Sàigòn, một bữa kia tính vô thăm bảo tàng viện Dinh Ðộc Lập cũ thì nhằm giờ trưa đóng cửa, bèn qua Dinh Gia Long. Ở đây trưng bày hình ảnh trong thời chiến tranh nhưng chỉ của một bên mà thôi. Bên “Ngụy” thì có một tấm hình trắng đen phóng lớn, nhìn vào chỉ thấy toàn là giày lính tháo dây vứt ngập đường phố với hàng chữ chú thích là giày của “lính ngụy” tháo bỏ chạy thoát thân. Tôi ngừng lại ở bức hình này và giải thích cho hai đứa con về “chủ đích” của cách trưng bày hình ảnh nơi đây, thì cũng chợt nhận ra một anh nhân viên đang theo chúng tôi sát từng bước, tôi biết mình phải cẩn thận giữ gìn mồm miệng ngay.
Tôi cũng cho sắp nhỏ vô Ðại Học Khoa Học ở đường Cộng Hoà cũ để biết ngày xưa mẹ chúng đi học ra sao. Khuôn viên đại học này bây giờ chật chội hẳn vì những cây phượng cổ thụ đã bị đốn đi để xây thêm. Ngày xưa tôi chỉ học có một năm ở đây rồi di tản qua Mỹ, lúc đó các “anh chị sinh viên” thật chững chạc trong mắt tôi, còn bây giờ tôi thấy các “em sinh viên” thật nhỏ bé… Chợt thấy mình đã già! Trường trung học Lê Văn Duyệt thì tôi chỉ đi thoáng qua, nhìn sơ trước cổng trường thì thấy vẫn như ngày nào….
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 07, 2004.
Lễ Giáng Sinh tại SàigònCó người lấy được vé cho chúng đi dự lễ đêm ở nhà thờ Chính Toà. Vâng, phải có vé mới được vào vì nhà thờ thì nhỏ mà dân Sàigòn quá đông, cộng thêm Việt kiều và du khách ngoại quốc ghé thăm. Chúng tôi phải lách qua rừng người và xe cộ trên các đường phố để đi bộ tới nhà thờ vì không xa Grand Hotel mấy. Không hiểu tại sao người ta kéo ra đường đông nghẹt như vậy, dù chỉ để đi, đứng, hoặc ngồi trên yên xe Honda, chứ chẳng thấy có gì cả. Có chăng là những người bán bột kim tuyến và những món ăn chơi trên những chiếc xe đẩy. Tôi đoán là các cô cậu choai choai mua kim tuyến để thảy lên người nhau. Mỗi gia đình đều phải có vé mới được vào nhà thờ, mọi người được ngồi thoải mái ở các hàng ghế, không thấy ai phải đứng cả mặc dù có chỗ trống ở hai bên hông và cuối nhà thờ khá lớn. Những chiếc quạt máy quay tít trên đầu không đủ sức đuổi cơn nóng vây quanh chỗ tôi ngồi. Có lẽ Saigòn đang bị cơn sốt nóng hoành hành, chứ lễ Giáng Sinh ngày xưa tôi nhớ đâu có nóng dữ vậy.
Lễ Vọng Giáng Sinh bắt đầu, do Ðức Tổng Giám Mục Hồng Y cử hành thánh lễ. Ngài còn trẻ, mà ở Mỹ tôi đã nghe tới. Chiếc cổng sắt ở phía cuối nhà thờ đã đóng, nhưng dân chúng đứng chật phía ngoài và dõi mắt vào bên trong qua các song sắt. Tiếng ồn ào của xe cộ ngoài đường phố mỗi lúc một tăng làm phân tâm người dự lễ không ít; xe Honda đầy nghẹt đường phố, nổ máy rầm rầm không ngưng nghỉ mà. Khi tượng Chúa Hài Ðồng được rước từ dưới nhà thờ lên Cung Thánh rồi Thánh Lễ được bắt đầu ngay sau đó, thì thấy người ta tràn vào như sóng vỡ bờ. Vì ngồi gần cuối nhà thờ, tôi quay lại phía sau và thấy hai cánh cổng sắt đã được phép mở toang ra cho dân chúng vào dự lễ. Trong nháy mắt, các khoảng trống đã đầy chật, người ta đứng chen chúc nhau không còn một kẽ hở. Phải phục dân Sàigòn quen chịu nóng!
Thánh lễ được cử hành long trọng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Cả nhà thờ đông ghẹt nhưng không khí hết sức nghiêm trang. Có lẽ mỗi người đều đang cầu nguyện với Chúa Hài Ðồng cho sự an lành của chính mình và của gia đình, hoặc cầu xin một sự cứu thoát nào đó cho hoàn cảnh hiện tại đang gặp những đe doạ hoặc bế tắc… Tới lúc rước lễ thì khung cảnh trở nên khá hỗn độn vì cả một khối người như thế cố gắng len lỏi để xếp hàng lên đón nhận Mình Thánh Chúa từ các vị Linh Mục. Mẹ con tôi rời ghế ngồi và đứng vào hàng, nhưng cả 10 phút sau cũng vẫn đứng nguyên tại chỗ, nên cuối cùng đành trở lại ghế của mình. Tôi tự hỏi là liệu sẽ có những đổi mới cần thiết chăng? Vì ở Ðại Hội Thánh Mẫu hằng năm tại Missouri bên Mỹ, có cả trăm ngàn người tham dự và Thánh Lễ được chiếu trên màn ảnh lớn ở nhiều chỗ khác nhau để tất cả đều theo dõi được, và có cả trăm Linh Mục trao Mình Thánh cho giáo dân theo những phương thức đã được nghiên cứu kỹ từ trước, rất là trật tự và nhanh chóng.
Lễ xong, mới vào khoảng gần nửa đêm, chúng tôi ra khỏi nhà thờ và thấy rừng người và xe cộ giờ càng dày đặc hơn, và phải hết sức vất vả mới lách đi được. Tiếng rầm rầm của xe cộ và tiếng cười nói la hét chọc nhau của những đám thanh niên trai gái càng sôi nổi hơn. Những người bán bột kim tuyến trong những bịch nylon nhỏ đang cố chào mời để bán cho hết. Nhìn xuống mặt đường, tôi hết sức ngạc nhiền thấy lớp bột kim tuyến dày cộm, trông như một lớp tuyết vừa rớt xuống phủ dày trên mặt đất, lóng lánh dưới ánh đèn đường... . Chợt nhớ lễ Giáng Sinh vùng Bắc Mỹ vào những năm có tuyết thật nhiều và được gọi là “white Christmas”, và ngoài trời trắng xoá, lạnh lẽo, vắng ngắt…
Hôm sau là ngày Lễ Giáng Sinh, các công sở và trường học vẫn sinh hoạt bình thường. Xã hội Cộng Sản vô thần mà, có gì là ngạc nhiên đâu, nhưng tôi cũng thấy làm sao ấy, có lẽ vì sự khác biệt nơi đây và thế giới bên ngoài trong ngày vui của hầu hết nhân loại. Không làm gì, chúng tôi thuê xe và rủ chị Hoàng Lan Chi đi chơi ở bãi biển Mũi Né, Phan Thiết. Tôi may mắn có Chị Hoàng Lan Chi là người vẫn giúp tôi đi mua sắm ở Sài gòn vì chị khá rảnh rỗi. Mất khoảng 2 tiếng lái xe thì tới nơi. Ghé vào một khu vực nghỉ mát sang trọng và rất đẹp ở sát bờ biển để ăn trưa. Sau đó xuống bãi tắm, khá đẹp. Khu resort này có vẻ dễ dãi, nên tắm biển chán thì vào hồ tắm bơi lội hoặc mở jacuzzi vô ngồi tỉnh bơ, rồi lên quán cạnh đó uống cà phê. Nếu ở Sàigòn lâu chắc tôi phải ra đây ở cả một cuối tuần cho nó sướng.
Buổi chiều chúng tôi lên xe qua Ðồi Hồng. Ðó là những đụn cát khổng lồ màu hồng cam rất đẹp. Có bọn trẻ con đi theo đòi xách giày cho chúng tôi để leo cát cho dễ. Chúng mang những tấm nylon cứng để chúng tôi ngồi lên và trượt từ trên đỉnh đồi xuống như con tôi vẫn ngồi trượt tuyết ở cái đồi sau căn nhà bên Mỹ. Chúng vừa đi vừa nói chuyện bằng tiếng Anh với con tôi thật buồn cười.
Chiều về, chúng tôi ghé ngang một tiệm ăn bên đường, kêu gỏi cá gì tôi quên mất, và khô mực một nắng còn dẻo dẻo, dai dai, ăn nhậu với bia thiệt là đã… Là tiệm bình dân mà nghe nói bây giờ trị giá cả nửa triệu dollars, khách du lịch ngoại quốc ghé nhiều, vừa ăn vừa ngắm biển nghe sóng vỗ, hoặc vào phía trong xem các hồ nuôi tôm, cá, cua…
Thế là hết những ngày ở Sàigòn, vì hôm sau chúng tôi phải bay ra Hà Nội đi theo chuyến tour…
Hà Nội, ngày đầu hạnh ngộ…
Buổi sáng ra phi trường TSN. Lên máy bay của Pacific Airline. Có lẽ tại trời nóng, chiếc máy bay nồng nực mùi mồ hôi chăng? Không phải chỉ lúc vừa bước lên, mà khi máy bay đã cất cánh, máy lạnh đã chạy mát, cái mùi khó chịu vẫn còn, tới nỗi tôi có cảm tưởng như đang ngồi trong một chiếc …tàu đánh cá! Chuyến bay chỉ có hơn 1 giờ đồng hồ, mà khách có thể chọn ăn trưa là cơm bò, hoặc phở xào thịt bò. Ăn khá được. Thế là hơn những chuyến bay ngắn ở Mỹ rồi, khi mỗi người chỉ được 1 bịch đậu phộng hay pretzels!
Xuống tới phi trường Nội Bài, không khí ở đây nhẹ nhàng hơn ở TSN, có lẽ tại trời lạnh. Nhìn chung quanh ai cũng mặc áo khoác dầy, trông khắc hẳn không khí Sàigòn. Có xe đón chúng tôi về khách sạn Hanoi Horison Hotel. Xe đi trên con đường vắt ngang sông Hồng, nhìn xuống sông thấy nước có mầu hồng nâu thật. Con đường khá rộng và ít xe cộ, có cây lớn trồng hai bên, đi qua khu ruộng nương hoặc vài khu phố nhỏ. Nghe nói trước đây nó là con đê chính ngăn nước sông Hồng, bây giờ được xây lại kiên cố hơn, nhưng hằng năm nước sông vẫn dâng ngập trọn một tầng nhà. Tôi có cảm giác hơi xa lạ, chắc chắn vì là lần đầu ra miền Bắc, nhưng có lẽ cũng vì khung cảnh nơi đây vắng lặng so với Saigòn tôi vừa rời chân sáng nay.
Xe thả chúng tôi xuống Hanoi Horison Hotel. Ðây là một hotel 5 sao của một công ty Thụy Sĩ, tất cả đều rộng rãi, sang trọng. Nhân viên lịch sự nhưng không vui vẻ như ở Grand Hotel bên Sàigòn. Những gia đình đi tour chung với chúng tôi sẽ đến rai rai cho tới nửa khuya. Cậu em út của tôi đã từ Mỹ về Saigòn sau chúng tôi gần 1 tuần, và cũng có mặt trong chuyến đi tour này. Buổi chiều, thuê taxi ra Hồ Hoàn Kiếm, đi một lúc thì ghé vào phố cổ. Thì ra Hà Nội 36 Băm Sáu Phố Phường chíng là đây! Chúng tôi chỉ rảo sơ một vòng cho biết, vi ngày mai nhóm đi tour cũng sẽ ra đây. Chiều nay có bóng đá nên các quán càphê chật ních người, ai cũng chăm chú dán mắt vào màn ảnh lớn và thỉnh thoảng reo hò ầm ĩ. Trong khi Sàigòn trông rất hỗn tạp với cà phê vỉa hè, gánh hàng rong, những tấm nylon trải trên lề đường bán hàng hoá này nọ, trẻ con bán vé số, hoặc người ăn xin.. . thì mấy khu phố này của Hà Nội lại rất trật tự, ngăn nắp; các cửa hàng nhỏ nhưng đẹp mắt nằm sát nhau, chen lẫn với những quán cà phê đông người nhưng bàn ghế kê rất trật tự và người ta ngồi xem bóng đá trong tư thế khá nghiêm chỉnh. Xe Honda đậu kín lề đường nhưng cũng gọn gàng theo hàng lối hẳn hoi. Thỉnh thoảng cũng có những quán vỉa hè, số thực khách ngồi ăn khá đông, nhưng hình như cũng vẫn …trật tự hơn Sàigòn. Hay là cái nhìn của tôi bị lệch lạc mất rồi? Thấy có người bán hạt dẻ rang, tôi ngừng lại mua một cân, và chúng tôi thả bộ lại phía hồ. Trời hơi lanh, vừa đi quanh bờ hồ, vừa bóc hạt dẻ rang nóng hổi, ăn rất thơm và bùi… Tuyệt vời!
Chúng tôi kêu 3 chiếc xích lô đạp đi tiếp một đoạn bờ hồ, ba anh phu xích lô tuổi trung niên vui vẻ mời chúng tôi lên xe. Ơ, kỳ ghê ta, cả những chiếc xích lô của hà Nội cũng mới hơn, ghế nệm bọc da sạch sẽ hơn, và nhất là rộng gần gấp đôi những chiếc xích lô đạp trong Sàigòn. Ba anh đạp xe thật khoẻ và thật nhanh nên chỉ một thoáng là hết cuốc xe. Con tôi lấy làm khoái chí vì lần lần tiên được ngồi xe như vậy. Sau đó chúng tôi kêu taxi về lại khách sạn để đi ăn bữa tối đầu tiên của chường trình đi tour.
Tới nhà hàng Nam Hoa ở đường Hai Bà Trưng, chúng tôi phải đi qua cổng, vào cửa tiệm hơi khuất bên trong, rồi lên phòng dành riêng cho nhóm ở trên lầu. Các cô tiếp viên đứng chào và tiếp khách đều mặc áo dài, rất lịch sự và vui vẻ. Nhà hàng ngăn nắp, trang trí rất nghệ thuật… Bữa ăn được đặt sẵn với rất nhiều món mà bây giờ tôi chỉ nhớ những món gọi theo tiếng Bắc như thịt lợn kho, cá rán, và chả nem hay nem rán gì đó, tức là chả giò… Tất cả đều được dọn lên rất lịch sự, các cô tiếp viên còn đứng xúc vào bát cho các thực khách nữa. Ðúng là kiểu Bắc Kỳ cổ điển. Con tôi nhớ mãi chuyện kêu nước uống mà đợi hoài không thấy. Ai kêu gì cũng đều được các cô đem đến, mà thằng nhỏ kêu ‘Coke' thì chờ hoài chẳng thấy ai đem ra. Tôi lại phải dặn cô tiếp viên nhớ mang Coke ra cho cháu. Vẫn chẳng thấy Coke đâu, tôi bèn hỏi cô lần nữa sao không thấy đem Coke ra, thì cô chỉ vào cái ly không trên bàn và bảo: “Cháu đã đem cho em cái …cốc này từ nãy đến giờ rồi ạ!.” Nghe thế cả bàn nháy nhau cười khúc khích, và tôi cũng chợt nhớ ra ngày xưa gia đình tôi cũng từng gọi cái ly là cái cốc theo kiểu người Bắc. À, thì ra mình phải nói là Cô-Ca thì người Bắc mới không nhầm với cái cốc. Thế là con tôi lại học thêm được một chữ VN mới bằng cách nhớ câu “cái cốc để uống Cô Ca”, còn chữ “bẩy úp” tức 7-up thì chúng học ở đâu trong Saigòn thì phải. Bây giờ chúng cứ nhắc lại những chữ này và cười khúc khích với nhau. (còn tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 07, 2004.
Một vòng quanh Hà NộiHôm nay dành cho việc thăm một vài nơi của Hà Nội. Sau khi ăn sáng tại khách sạn, mọi người tề tựu ở lobby. Một số đã gặp nhau hôm trước, và những người đến khuya cũng được giới thiệu luôn. Tất cả có 3 nhóm từ Montreal, 2 nhóm từ Mỹ. Mỗi nhóm là một gia đình, hoặc anh chị em tổ chức đi chung, với người travel agent cũng từ Montreal đi tháp tùng theo đoàn khách của bà, tổng cộng là 24 người, đầy đủ các lứa tuổi già, trung niên, trẻ và trẻ con… coi như ai cũng có bạn để trao đổi suốt chuyến đi. Ngoài ra còn thêm tài xế và hướng dẫn viên. Vì có một cặp vợ chồng người Canadian và đám trẻ con không rành tiếng Việt, nên người hướng dẫn viên phải nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Trước hết là đi Chùa Một Cột. Xe đi qua phố phường Hà Nội nhưng chúng tôi chưa định hướng nổi mình đang ở đâu. Có 2 gia đình muốn xe đi ngang căn phố cũ của gia đình họ, là nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên trước năm 1954. Mọi người trên xe cùng reo lên mỗi khi có người nhận ra căn phố mang địa chỉ đang được tìm. Các ngôi nhà này được xây theo kiểu Tây rất đẹp, và bây giờ đã trở thành nơi làm việc hoặc cơ sở thương mại. “Chủ cũ” đó nói sơ về kiến trúc phía bên trong cũng như những kỷ niệm thời thơ ấu. Không khí trên xe càng trở nên thân mật. Tới Chùa Một Cột, một số người lên thắp hương khấn vái, số còn lại lo chụp hình. Cũng không có gì đặc biệt ngoại trừ vẻ cổ kính và hồ nước quanh cột chùa đầy ngập sen. Cột chuà được làm lại và dĩ nhiên không phải bằng loại gỗ quí ngày xưa nên trông có vẻ hơi giả tạo.
Sau đó chúng tôi qua bên Quãng Trường Ba Ðình, thực sự thì tôi mù tịt về Hà Nội và chẳng biết một tí gì về Quãng Trường Ba Ðình cả, nhưng đến và biết rồi thì …thôi không kể đoạn này nữa.
Kế tiếp là đi xem Văn Miếu… Tôi nhớ có tượng của Khổng Tử, và tượng của công thần Chu Văn An. Những bia đá khắc tên những người đậu Tiến Sĩ mấy trăm năm về trước nay đã mòn gần hết chữ. Dưới chân mỗi bia đá thì có tượng con ruà, và được biết rùa tượng trưng cho điều tốt lành. Vào một ngôi nhà rộng ở phiá trong, chúng tôi được thấy và nghe các cô gái Bắc trong áo tứ thân ngũ sắc và nón quai thao, hát các điệu dân ca miền Bắc rất hay. Hát xong các cô trao nón quai thao cho những khán giả ngồi hàng đầu, trong đó có tôi. Thế là tôi được đội nón quai thao và được mời đứng chung với các nghệ sĩ này trên sân khấu cho người khác chụp hình.
Ra khỏi Văn Miếu, nhóm đi ăn Chả Cá Lã Vọng, là tiệm đầu tiên bán món này cách nay cả trăm măm, nằm trên con đường cũng có tên là đường Chả Cá. Món này khi tôi ăn ở Mỹ thì cá được để trên chảo điện và rưới mỡ sôi vào, nhưng ở đây người ta đem ra những cái lò bằng đất sét trong có than rực đỏ, và đặt lên trên một cái vỉ có những miếng cà vàng ngậy trong mỡ nóng, phát ra những tiếng xèo xèo. Những tô bún tươi và rất nhiều thì là, hành lá được đem tới cho chúng tôi tự bỏ vào chảo và phải đảo cho khéo để rau chín mà cá không bị nát, xong lấy ra bỏ lên bún tươi, chan mắm tôm vào và ăn.
Ăn xong, xe đi một vòng phố cổ Hà Nội. Các phố hàng Gai, hàng Bạc, hàng Ðào… Một bác trong nhóm hỏi: “Hàng Ðào bán cái gì vậy ta? Bán hoa đào, hay trái đào nhỉ?” Một bác trai khác cướp lời anh tour guide: “Không đâu, hàng Ðào ngày xưa bán …ả đào đấy bác ạ". Mọi người cười ồ. Sau đó anh tour guide mới trả lời là phố hàng Ðào là phố bán hoa quả. Và phố Khâm Thiên mới đúng là nơi trước đây có các ả đào hát cho khách thưởng ngoạn đến mua vui.
Tới Hoả Lò hay người Mỹ còn gọi là Hanoi Hilton, tức nhà giam của người Pháp xây khi xưa ở ngay làng Hoả Lò là làng chuyên làm nghề lò rèn, đúc sắt… Chứ không phải vì nhà giam này …nóng như cái hoả lò mà tôi vẫn hiểu lầm từ trước tới giờ. Nhà giam này trước dùng để giam những anh hùng VN chống Pháp và bị bắt, sau này giam những phi công Mỹ bị bắn rớt. Một cô nhân viên ở đây đưa chúng tôi đi xem các nơi và giải thích cặn kẽ. Có mấy điều làm tôi rùng mình, là lời kể về sự tra tấn các nữ phạm nhân, hình ảnh phòng giam các gia đình có cả trẻ nít, và cái máy chém. Có một cái máy chém chỉ là mô hình rập theo, cùng cỡ và y hệt cái máy thật ngày xưa, và cái máy thật cũng vẫn còn đó, làm tôi nghĩ đến những anh hùng chống Pháp đã kê cổ bên dưới cái lưỡi chém của nó… Ðau lòng thay!
Nhóm rời Hoả Lò và tới Hồ Hoàn Kiếm, đi bộ qua cầu Thê Húc và vào thăm đền Ngọc Sơn. Tôi cũng hiểu lầm từ trước đến giờ là Thần Rùa trả lại kiếm cho ông vua nào đó. Thật ra là vua Lê Thái Tổ có được một cây kiếm quí, bằng cách nào thì tôi không rõ, và đã nhờ cây kiếm này mà thắng được quân Tàu. Một hôm vua đi thuyền trên Hồ thì có con rùa ngoi lên há miệng chờ, vua đưa cây kiếm ra thì nó ngậm lấy và lặn mất. Hồ Hoàn Kiếm ở ngoài hay chụp hình trông đều rất đẹp, mang vẻ cổ kính và thơ mộng.
Buổi tối chúng tôi trở lại tiệm Nam Hoa để ăn tối, có lẽ vì tối qua có nhiều người đến khuya nên chưa được biết tiệm này. Chắc vì là tối thứ Bảy nên có các cô mặc áo tứ thân đi đến từng bàn hát dân ca miền Bắc và chơi các nhạc cụ cổ truyền đơn giản nhưng rất hay. Các cô để những đĩa CD trên bàn để mời chúng tôi mua, và đặc biệt để trước mặt mỗi thực khách một cành hoa hồng. Chúng tôi đã mua nhiều CD nhạc cổ truyền ở Văn Miếu sáng nay nên không mua nữa, nhưng những phải làm gì để đáp lại việc các cô tặng hoa cho mình đây ? Anh trưởng đoàn cầm cành hồng lên khiến mọi người hồi hộp theo dõi xem anh sắp làm gì thì làm theo. Anh móc túi lấy la một tờ bạc, quấn chung quanh cành hồng, rồi đưa lại cho các cô. À, thì ra là thế! Tất cả chúng tôi đều bắt chước làm theo và các cô cám ơn chúng tôi với những nụ cười thật tươi. Phải công nhận người Việt Nam mình sao tế nhị quá!
Sau đó chúng tôi phải vội vã lên xe tới nhà hát lớn để kịp vào xem Múa Rối Nước. Vé được mua chung cho cả nhóm, và giá mỗi vé có chừng mấy dollars, tôi không nhớ rõ, nhưng phải nói là rất rẻ. Trước đây nghe nói tới show này, tôi chỉ biết đó là một nghệ thuật đặc biệt, nhiều công phu… Nhưng khi được xem mới thấy là mình có được những giây phút thật thoải mái và giá trị!
Coi như xong một ngày, chúng tôi được săn sóc hết sức kỹ lưỡng và rất hài lòng với ngày đầu tiên trong chuyến tour. Bây giờ chỉ còn về khách sạn ngả lưng thôi… À chưa hết, một số người còn cần đi bộ ra quán internet café gần đó nữa. Ở Sài gòn giá 1 dollar/1giờ đã là rẻ, ở đây chỉ khoảng 13 cents/1 giờ. Trong khi nếu xử dụng ngay trong khách sạn có thể lên tới 4,5 dollars/1 giờ. Ðúng là chẳng có tiêu chuẩn gì cả. (còn tiếp)
Hạ Long…
Sáng hôm sau, nhóm lại lên chiếc xe bus của mình để đi Vịnh Hạ Long. Xe đi qua nhiều đường phố trước khi ra ngoại ô, nên tôi có dịp quan sát sinh hoạt Hà Nội kỹ hơn. Xe cộ cũng đông vì là giờ đi làm, nhưng không hỗn độn bằng Sàigòn. Ða số là xe máy và cũng nhiều xe taxi, xe hơi. Chắc có sự thay đổi lớn gần đây, chứ mới ngày nào ở hải ngoại tôi còn được xem những tấm hình do các ký giả ngoại quốc chụp đường phố Hà Nội gần như 100% là xe đạp kia mà. Các cửa hàng dọc hai bên phố trưng bày đẹp mắt, gọn gàng nằm sát nhau. Nhưng nếu ngước mắt nhìn lên tầng 2, tầng 3… sẽ thấy cảnh người dân sống chen chúc, chật chội, nghèo nàn với những ô cửa nhỏ xíu và quần áo phơi ngổn ngang. Tầng dưới bán hàng đầy màu sắc vui tươi, nhưng những tầng bên trên màu gì không nhận ra được vì ở tình trạng quá cũ.
Bắt mắt nhất đối với tôi là những gian hàng hoa tươi. Từng bó lớn hồng còn nguyên nụ được xếp cạnh nhau, nào trắng, vàng, hồng, đỏ xậm… chen lẫn với cúc đại đoá vàng rực, lay-ơn, lan… Hoa tươi cũng được bán lẻ ven đường, trên những cái mẹt lớn được đặt trên cái yên xe đạp của người bán. Hoa tươi có mặt gần như khắp nơi ở Hà Nội, nhiều cửa hàng hoa đã đành, mà chỗ nào có dịch vụ cũng thường có một bình hoa tươi cắm rất nghệ thuật. Ðiều làm tôi thích thú là thấy người ta bó các cọng khoai môn (giống như cọng bạc hà nấu canh chua) lại, rồi cắt khúc ra từng bó ngắn khoảng 20cm để làm cái đế cắm hoa, chứ không dùng loại mút mềm, ngấm nước (oasis foam) như các tiệm hoa bên Mỹ vẫn dùng. Tôi để ý trên đường phố người ta ăn mặc không màu sắc sặc sỡ như trong Sài gòn, nhưng người bạn bên cạnh lưu ý tôi là trời lạnh nên ai cũng mặc áo khoác dày bên ngoài, trông rất lịch sự nhưng là màu xậm nhiều hơn. Không phải trời lạnh không thôi, còn có mưa phùn nữa vì gần Tết mà. Có lẽ cái không khí ẩm và lạnh đã khiến cho Hà nội có 1 sắc thái vừa tươi mát vừa lịch lãm chăng?
Ra tới ngoại ô, đường đi Hạ Long tương đối tốt và còn mới. Lại đi qua cầu Long Biên (hình như vậy, tôi không nhớ rõ) vắt ngang sông Hồng, ngược chiều với hôm trước đi từ phi trường Nội Bài về Hà Nội. Ngang làng Bần, ai cũng nhớ tới câu “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần”. Nhắc tới tương Bần, loại tương Bắc thường được dùng để chấm bê thui, bò tái… anh tour guide bèn cao hứng đọc to mấy câu sau cho bà con nghe:
Tái Dê chấm với tương gừng
Ăn vào nó cứ phừng phừng như …dê
Ðêm nằm nghe vợ tỉ tê
Ngày mai ta lại …tái dê, tương gừng!
Bà con vỗ tay cười khoái chí… Ða số người trong nhóm là Bắc Kỳ di cư 54, nên đi ngang làng Bát Tràng thì ai cũng biết ngay là nơi làm đồ gốm, sản xuất bát đĩa rất đẹp. Xe ngừng ở Hồng Ngọc, gần tỉnh Hải Dương là nơi quê của gia đình tôi khi xưa. Hồng Ngọc là một trung tâm làm và bán các sản phẩm nghệ thuật và tiểu công nghệ như đồ trang sức bằng vàng bạc và đá quí, quần áo bằng gấm, lụa, tranh thêu… do một tổ chức giúp đỡ người khuyết tật dùng tài năng của mình để kiếm sống. Ở đây cũng như nhiều nơi bán đồ kỷ niệm cho khách ngoại quốc, người mua có thể tiêu cả mấy trăm dollars và có thể trả bằng credit cards, rất tiện. Chúng tôi cũng mua các đặc sản địa phương gồm bánh cốm, bánh gai, và bánh đậu xanh… để mang lên xe ăn vì còn phải đi cả tiếng nữa mới tới nơi.
Tới Hạ Long, nhóm được đưa xuống một chiếc tàu thuê riêng cho mình. Con tàu mang tên Biển Mơ, còn mới và trang bị rất đẹp. Tầng chính của tàu được kê bàn ghế như một tiệm ăn nhỏ rất khang trang, du khách có thể ngồi ở đó nhâm nhi cà phê hay rượu vang và nhìn qua cửa kính để ngắm cảnh. Nói tới rượu vang, ở VN có rượu vang làm tại Ðà Lạt mà tôi đã uống thử ở nhà một người bà con ở Sàigòn và ngạc nhiên vì rượu khá ngon, giá bán ở ngoài nghe đâu từ 3-6 dollars/1chai. Hôm đó trên tàu thì tụi tôi trả $12/chai, vẫn rẻ chán. Còn cà phê thì ở những khách sạn tôi ở cũng đều pha rất đặc, mà sữa đặc có đường lại không thấy, chỉ thấy loại sữa lỏng le không đủ chất béo, cho ít sữa thì cà phê còn quá đặc, mà cho nhiều thì cà phê nguội mất tiêu. Nói chung, dân ghiền cà phê như tôi không hề một lần uống cà phê ở VN mà thấy ngon, nhưng cà phê VN đem về Mỹ thì bảo đảm uống ngon hơn cà phê Mỹ.
Trong khi chờ nhà bếp làm cơm trưa, nhiều người lên boong tàu ngắm cảnh hoặc chụp hình. Nói chung ai cũng có vẻ rất thảnh thơi và ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của mặt nước êm đềm, tương phản với dáng hùng vĩ của những ngọn núi đứng sừng sững khắp nơi trong vịnh. Ðói bụng, tôi tò mò ghé mắt vô nhà bếp xem họ làm tới đâu, thì thấy bếp nhỏ, gọn, sạch sẽ, chỉ có một cô và một anh làm các việc rất nhanh nhẹn, thoăn thoắt. Tàu này là một cái business của một gia đình kinh doanh rất giỏi, họ có tới 3 chiếc tàu như vậy và đều phục vụ với tính cách gia đình. Rồi bữa trưa được dọn lên rất thịnh soạn, với tôm và cua vừa được đưa từ chiếc tàu đánh cá ở bên cạnh sang.
Ăn xong, chúng tôi xuống những chiếc xuồng nhỏ để chèo qua những cái hang xuyên qua những ngọn núi. Một trong những chiếc xuồng của chúng tôi suýt bị đắm, nhưng kịp tắp vào một cái đảo san hô nhỏ, người trong nhóm đứng ngồi chờ xuồng khác tới tiếp cứu trông rất là buồn cười. Sau đó trở lại tàu lớn, đi tới cửa Hang Sửng Sốt và Ðộng Thiên Cung. Mọi người đi theo nhân viên hướng dẫn của động, vừa thích thú nghe họ chỉ và giải thích, vừa trầm trồ nhìn những chỗ hết sức đặc biệt và lạ lùng trong trong hang. Nhiều quá nên tôi không nhớ chính xác được các chi tiết ở đây. Trở lại tàu đề về bờ và lên xe đi về lại khách sạn thì trời đã khá tối, chỉ kịp đi ăn và về đi ngủ vì leo hang động đã mỏi nhừ cả đôi chân. (còn tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 07, 2004.
Chùa Hương, Tam CốcHôm sau đi Chùa Hương, tôi tưởng các bác lớn tuổi sẽ ở nhà vì không đi bộ nổi, nhưng các bác có mặt đầy đủ trên xe. Một gia đình sợ đám trẻ con không thích nên để chúng ở nhà. Ðường đi Chùa Hương không được tốt như đường đi Vịnh Hạ Long. Tuy có nhiều đoạn đang được tân trang, nhưng gần hết con đường đều hẹp và gập ghềnh, xe đi trồi lên trụt xuống, rất chậm và xóc. Tôi sợ say xe nên nuốt viên dramamine cho chắc ăn. Anh tour guide kể chuyện tiếu lâm cho bà con cười để tạm quên những cú xốc mạnh khi xe đi qua những cái ổ gà. Tỉnh Hà Ðông nổi tiếng về nghề lụa cũng nằm trên đường đi Chùa Hương, chỉ cách Hà Nội khoảng 12km thôi. Khi đi ngang Hà Ðông, anh tour guide đọc câu:
Áo Hà Ðông dệt bằng …lông sư tử
Em mặc vào, thấy giống …sư tử Hà Ðông!
Bà con lại cười bò… Tới nơi, chúng tôi phải chia nhau thành từng nhóm 4 người để đi xuồng vào trong núi. Những người chèo xuồng to tiếng dành giật nhau để đón khách, tạo nên một khung cảnh hỗn độn, khiến đám du khách không dám hó hé mà chỉ trông chờ vào người tour guide rành rẽ trong việc này. Thực ra có một người địa phương đứng ra sắp xếp cho xuồng nào thì xuồng đó mới được nhận khách, vì hình như họ làm ăn theo tổ. Nhưng ông này không làm sao cho đám người chèo xuồng giữ trật tự được. Trong khi đó, chúng tôi bị nhiều người xúm lại nài nỉ để mua của họ những vật kỷ niệm, đa số là những chiếc vòng đeo tay, đeo cổ làm bằng những hạt gì tròn tròn, nhiều màu sắc, được xâu lại với nhau. Rồi những người thợ chụp hình đòi đi theo chụp hình cho chúng tôi, từ chối cả chục lần họ cũng chưa chịu buông tha.
Cuối cùng thì những chiếc xuồng cũng được sắp xếp xong và chèo đi. Lúc đó tôi nhận ra có một chiếc xuồng khác cứ tự động đi theo mà chụp hình con tôi, tôi hỏi thì họ bảo con tôi đã đồng ý, mà con tôi làm sao trao đổi được tiếng Việt với họ kia chứ. Thiệt hết biết! Thấy mấy cô đi trên cả 2 chiếc xuồng đều còn trẻ và nhanh nhẹn, vui vẻ, tôi hỏi thăm về đời sống của họ thì được biết cũng có cô sắp xong trung học và dự định ra Hà Nội học đại học. Tất cả đều mặc quần jeans hoặc quần tây xậm màu áo khoác dày trông rất gọn gàng, lịch sự… Kể cả bà chèo đò đứng tuổi cũng mặc áo khoác dạ, cổ quấn khăn len trông cũng lịch sự luôn. Bà này than thở về đời sống vất vả, khó nghèo của gia đình, bây giờ nhờ khách du lịch thì đỡ hơn nhưng cả tháng mới được chia cho 1 ngày chèo như hôm nay, còn thì phải cấy lúa ngay trên cái đầm nước dẫn vào núi này, tuy là nông nhưng nước cũng ngập tới ngang bụng. Các cô gái cũng nói họ phải giúp gia đình đi cấy và gặt lúa như vậy, nhưng trông họ thì thấy sáng sủa, khiến tôi tò mò muốn được vào các làng mạc mà xem đời sống thực sự của họ ra sao. Có thể là qua bao nhiều thế hệ, đời sống của người dân ở nơi heo hút này cũng vẫn vậy, và bị văn mình thành thị bỏ lại phía sau cả bao nhiêu chục năm.
Xuồng đi trên chỗ này chỉ là một cái đầm, tên là đầm Yên Vị thì phải, và cảnh chung quanh đầm rất đẹp. Các cô chỉ cho tôi xem núi “con voi không vâng lời”, vì có 11 con voi thì tất cả 10 con đều quay đầu về phía các ngôi chùa, ngoại trừ con voi này quay đít lại. Tôi thích thú khi nhận ra hình con voi nằm phục của các rặng núi Voi Phục. Ðó là những ngọn núi lớn nhỏ, già trẻ đứng bên cạnh nhau. Ngọn nào già thì thấp và soải dài, trông như cái lưng con voi, ngọn trẻ thì nhô cao và gọn, thấy giống như đầu voi. Nếu có thêm ngọn núi thấp kế tiếp nữa thì giống như cái vòi voi phía trước,v.v.. Tôi đoán là tất cả đều do trí tưởng tượng của mỗi người chứ không nhất thiết là có sự đồng ý về từng con voi một, kể cả “con voi không vâng lời”. Riêng ngọn Mâm Xôi thì là một ngọn lớn, cao và đều như một mâm xôi, trên lại có cái chỏm trông giống như con gà để nằm ngửa trên mâm xôi vậy.
Xuồng đi ngang Ðền Trình, là ngôi chùa đầu tiên cho khách ghé vào để ‘trình’ rồi mới đi tiếp, nhưng chúng tôi không vào. Ði xuồng mất khoảng 1 tiếng thì tới chân núi có các chùa, và nhóm lên bờ. Ở đây có nhiều hàng quán bán quà vặt và đồ kỷ niệm thô sơ. Chúng tôi mua sẵn mỗi người một chiếc gậy tre để leo núi. Có một quán ăn rất đông khách, nhóm ghé vào để ăn trưa khá ngon miệng, rồi mới leo núi với chiếc gậy tre trong tay. Ðường lên núi có các bậc đá, đi khá dễ dàng. Người tour guide cho biết vào rằm tháng Hai khi người từ khắp nơi kéo về trẩy hội, thì đường lên núi chật ních, người ta đứng sát vào nhau, có khi bị xô chúi về phía trước hoặc ngã ngửa ra phía sau mà vẫn không bước đi được. Rồi gặp trời mưa thì đất trở thành lầy lội, và những bậc đá trở nên trơn trượt vì bùn lầy, đi rất dễ té nên vì vậy phải dùng gậy tre để chống đỡ, chứ nắng ráo như hôm nay thì không sao. Leo mãi mới tới chùa Thiên Trù, sân chuà khá rộng và cảnh trí rất đẹp, gồm những kiến trúc cổ xưa chen lẫn với cảnh núi đồi trùng điệp. Nhìn xuống thung lũng phiá dưới thấy các ruộng rẫy và dân làng phải đi xa lắm mới vào được tới đây để trồng trọt. Nhóm chơi ở đây khá lâu, vào trò chuyện với một sư bác trụ trì ở chùa, được sư mời ăn chuối hái dưới rẫy và uống trà, sau đó sư dẫn đi sâu vào chùa để xem các hốc đá thiên nhiên rất đẹp và cũng huyền bí nữa. Các con tôi hôm nay đi không có bạn cùng trang lứa, vì gia đình kia để con họ ở nhà. Nhưng cảnh đẹp thiên nhiên vẫn làm chúng say mê và đi không thấy mệt, xem không biết chán, khiến anh chị đó cứ tiếc là đã không cho con họ đi hôm nay.
Sau đó thì đi xuống chứ không đi nổi lên tới chùa Trong, còn gọi là Ðộng Hương Tích, dù biết là còn đẹp hơn nhiều. Các cô chụp hình đã chụp hết cuộn phim và đưa lại cho chúng tôi, tiền phim và tiền công chụp các cô lấy khoảng $10US. Còn các cô chụp lấy ngay thì đưa cho chúng tôi những tấm hình đã rửa và laminated đàng hoàng, không đẹp lắm, lại chụp quá nhiều và cứ ép chúng tôi phải lấy hết!
Buổi chiều ra về, gặp những người dân làng quẩy từng gánh khoai vừa nhổ lên ở rẫy chỗ thung lũng tôi nhìn xuống khi nãy. Họ phải gánh xuống núi rồi đi xuồng về làng, thật là vất vả mà chẳng được là bao. Những ngày đi chơi như thế này khiến tôi có nhiều thao thức. Phải chăng Thượng Ðế chỉ ưu ái ban cho con người những cảnh đẹp thiên nhiên làm ngây ngất lòng người ở những nơi mà con người không hề biết tới đời sống văn mình của thị thành, cho nên họ vẫn sống ở đấy từ đời này sang đời khác, tuy cực nhọc nhưng gần gũi với thiên nhiên, và chính họ là những con người đã gìn giữ những cái đẹp thiên nhiên ấy? Ðể rồi những người sống ở nơi văn minh, một khi có phương tiện và điều kiện thuận lợi, sẽ được đến đó chiêm ngưỡng và không thể nào từ chối một sự thật là có bàn tay của Ðấng Tạo Hoá trong vũ trụ?
Hôm sau, chuyến đi Tam Cốc ngắn hơn, buổi sáng được thong thả và buổi chiều về sớm hơn. Ðường đi tương đối tốt, có tiệm ăn rất đông khách, rộng rãi và ngon miệng ngay gần bến nước để nhóm ăn trưa rồi xuống những chiếc xuồng đi ngoạn cảnh. Trời mưa, người ta bán sẵn áo mưa ngay trước của tiệm ăn, chúng tôi mua mỗi người một cái, đám du khách bây giờ mang đủ màu sắc, đứng chờ xuồng trông vui mắt đáo để. Cảnh bến xuống ở đây có vẻ trật tự hơn chứ không hỗn độn và “dữ dằn” như lúc đón xuồng vào Chùa Hương hôm qua, người chào hàng cũng ít, có lẽ vì trời mưa. Những người đi theo chụp hình cũng lịch sự hơn, từ chối là họ thôi không nài nỉ nữa, và nói chụp 3 tấm thôi là chụp đúng 3 tấm, rửa xong đưa lại thấy khá đẹp. Cái này chắc là tuỳ người thôi, nhưng tôi đã mang một ấn tượng tốt về người dân ở vùng này.
Khi đi xuồng nhìn cảnh hai bên thì thấy gần giống như cảnh hai bên đầm Yên Vị dẫn vào Chùa Hương, nhưng núi non và 3 cái hang lớn xuyên qua núi mà xuồng chui qua thì thấy giống cảnh ở Vịnh Hạ Long. Có lẽ vì vậy mà người ta còn gọi vùng này là Hạ Long cạn nữa, vì ở đây có nhiều ruộng cấy lúa. Xuồng đi qua những mảng hoa súng và cỏ dại mọc trên mặt nước. Thấy những ngọn cỏ có những hạt tròn màu đỏ cam bám đầy, trông như những cọng hoa, nhưng hỏi ra mới biết đó là trứng ốc bươu, nhiều đến độ không thể nào diệt hết được. Ốc quá nhiều, ăn hại biết bao cây lúa khiến mùa màng hao hụt. Ðây là hậu quả cửa người dân khù khờ, nghe dân Tàu lùng mua ốc với giá cao, nên hùa nhau mua ốc giống đem về thả… Bây giờ mới biết là dân ta mắc hỡm dân Tàu, nhưng đã quá muộn… Người chèo xuồng chỉ cho chúng tôi xem những con dê núi màu trắng đứng trên sườn núi cao cheo leo. Chị nói dân ở đây vẫn lên đó đê kiếm củi và bắt dê. Tôi không hiểu làm sao người ta có sức để mà trèo lên núi cao như vậy chỉ để kiếm củi, thật là đời sống đầy thách đố khi phải trực diện với thiên nhiên.
Xuồng đi về chỉ hết độ 1 tiếng, sau đó chúng tôi lên xe về lại khách sạn để kịp ăn bữa tối đặc biệt để đón giao thừa Tết Tây, và cũng là đêm cuối cùng ở Hà Nội, vì sáng hôm sau nhóm sẽ bay vào Huế…
(còn tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 07, 2004.
xin qúi vị t́m đọc truyện ngắn đầu tay "Lan Ngựa. Áo Gấm về làng" của đỉnh cao tuyệt đỉnh của trí tuệ loài người, bảo đảm c̣n cao hơn cả...đỉnh Vu Sơn, của lương tâm nhân loại, của lương tri loài người...Văn tài của anh nó vỉ đại c̣n hơn cái vỉ đại của Bác Hồ, nó trong sáng, vô cùng anh minh c̣n hơn cái vô cùng anh minh của đảng cộng sản VN. Đọc truyện "Lan Ngựa. Áo gấm về làng" của anh, chúng tôi thấy văn của anh c̣n hơn cả "Nhật Kư trong tù" của Hồ chí Minh, nó nhân bản c̣n hơn cả học thuyết Maxist Lenninst.
"Lan Ngựa.Áo gấm về làng" của anh sẽ được thay thế chủ nghĩa Mac, làm ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho toàn thể đảng cộng sản noi theo.
Tôi đề nghị tất cả các đồng chí hảy noi theo lời anh dạy, triệt để khẩn trương học tập theo gương của anh.
Sông có thể cạn, núi có thể ṃn...nhưng cái tài ba của anh, sẽ không bao giờ thay đổi.
Xin các đồng chí cho cho một tràng pháo tay. chúng tôi xin tran trọng giới thiệu môt gương sáng của đảng cộng sản, đó là anh....
.........Đù má Hồ Chí Minh, tác giả của Con Lan Ngựa. Áo gấm về làng.
-- Ke Si Bac Ha (ke_si_bac_ha@yahoo.com), January 08, 2004.
Trở Vào Huế…
Sáng sớm ngày Tết tây, cả nhóm ăn sáng lần chót ở Hanoi Horison Hotel rồi lên đường ra phi trường. Chia tay với người tour guide đă lăn đẵm với nhóm và những nhân viên khách sạn đă phục vụ nhóm trong suốt mấy ngày trời, ai cũng muốn tặng họ một số tiền tip để tỏ sự biết ơn của ḿnh, nhưng không biết phải cho bao nhiêu là phải chăng, không quá ít hay không quá nhiều và làm sao các nhân viên được hưởng đồng đều. Người trưởng tour đă có nhiều kinh nghiệm đưa khách đi du lịch bèn ngồi xuống tính khoản tiền tip cho cả tour, kể từ Hà Nội vào tới Sài g̣n, rồi chia đều theo đâù người, mỗi người $70US. Số tiền này sẽ được chia ra và tặng cho các tour guides, các nhóm nhân viên ở các khách sạn th́ đưa chung rồi họ sẽ chia nhau. Mẹ con tôi sẽ rời nhóm ở Đà Nẵng, nên tôi chỉ phải đưa $45 và 2 cháu nhỏ được miễn. Thế là nhẹ nhơm, khỏi phải tính toán riêng làm chi cho mệt đầu óc.Ở phi trường, nhóm gặp một trở ngại, là đa số đă bay thẳng từ Mỹ và Canada về Hà Nội, mang theo những chiếc áo khoác dày, lại c̣n mua sắm đồ kỷ niệm trong suốt mấy ngày, bây giờ số hành lư đă quá mức ấn định cho chuyến bay nội địa là 20Kgs/1 người, thay v́ 70Kgs như các chuyến bay quốc tế. Thế là phải gom chung hành lư lại làm một, để những người như mẹ con tôi, bố chúng, và cậu em út là những người bay từ Sài G̣n ra, mang theo ít đồ thôi nên sẽ gồng gánh cho nhau được khá nhiều. Bà con phàn nàn v́ đă không mang nhiều đồ v́ biết phải di chuyển nhiều, thế mà vẫn c̣n gặp trở ngại. Người trưởng tour bèn quyết định khi tổ chức một chuyến tour tương tự sẽ thu xếp cho mọi người có thể chuyển hành lư theo xe lửa vào Sài G̣n trước, và chỉ mang theo quần áo đủ mặc trong chuyến tour. Mọi người hoan nghênh quyết định này …cho lần sau, v́ chúng tôi muốn về VN lần nữa cũng sẽ ra Bắc để tham quan các vùng Lạng Sơn, Sapa, băi biển Đồ Sơn, v.v… nghe nói là đẹp lắm.
Vào tới phi trường Phú Bài giữa Huế và Đà Nẵng, trời ấm hơn ngoài Hà Nội. Chúng tôi lên xe để tới Huế. Trên đường đi, thấy dân số ở đây ít hẳn hơn ở Hà Nội và Sài G̣n. Cảnh sống có vẻ êm đềm, nhà cửa hai bên đường có vẻ đơn sơ nhưng tương đối khang trang, đất đai rộng răi… Không thấy có vẻ quá nghèo như vùng ngoại ô Hà Nội, hay đang trở ḿnh vườn lên vội vă và chen chúc nhau như ngoại ô Sài G̣n. Tôi cảm thấy yêu mến khung cảnh này, mặc dù thật sự chưa biết đời sống của người dân ở đây ra sao.
Về tới khách sạn Hương Giang ngay trên bờ sông Hương, chúng tôi bị “hớp hồn” bởi khung cảnh cổ kính của khách sạn này. Nơi pḥng khách và pḥng ăn, các bộ bàn ghế được chạm trổ bằng những thứ gỗ quí, khiến chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào một cung điện. Tuy đói, nhưng mọi người kể cả con nít c̣n tung tăng chạy ra phía sau ngắm cảnh sông nước với những chiếc thuyền qua lại, ngắm cầu Trường Tiền với xe cộ chạy tấp nập trên đó… Sau đó mới vào pḥng ăn để thưởng thức bún ḅ Huế. Các cô gái Huế phục vụ bữa ăn rất dễ thương, duyên dáng, nhưng …khá chậm chạp! Ăn xong, chúng tôi về pḥng nghỉ trưa một lát rồi sẽ đi thăm thành nội Huế.
Phải tới xế chiều nhóm mới khởi sự đi. Xe đậu tuốt phía ngoài, chúng tồi thả bộ từ cổng thành vào. Người từ hàng quán hai bên đường túa ra chào mơi chúng tôi, nhưng cũng rất lịch sự không níu kéo khi chúng tôi từ chối. Anh tour guide mới này nói giọng ǵ tôi không định nổi, v́ không đến nỗi khó nghe mấy. Đặc biệt anh nói tiếng Anh như giọng người Úc vậy. Không biết có phải do anh biết và nhớ nhiều chi tiết, hay là do anh thích nói nhiều, người trong nhóm mất dần kiên nhẫn bèn đi tản mạn khắp nơi trong khi anh …cứ tiếp tục diễn giải. Cặp Canadien th́ c̣n khổ hơn v́ anh tour guide không c̣n giờ để nói lại bằng tiếng Anh nữa v́ c̣n phải …đi tiếp. Nhiều người trong nhóm đă kéo nhau đi quá xa và không đúng hướng, khiến phải có người chạy theo …dẫn độ về! Tôi chợt nghĩ sao không thấy anh tour guide mang theo b́nh nước, chứ nói cỡ đó …khô cổ chịu ǵ nổi!
Cổng thành xây kiên cố, có hào rộng bao bọc chung quanh, dưới hào đầy nước và cỏ trông như những sào ruộng nhỏ nằm kế nhau. Anh tour guide giảng giải cho biết vua ra ngự trào ở chỗ nào, dân được cho vào tới đâu, các lối ra vào được chia theo phẩm trật ra sao… Đấy mới là …phía ngoài thôi đấy nhé, đi vào trong nữa sẽ thấy c̣n nhiều sảnh điện là nới làm việc của quan văn, quan vơ, thư viện…nhiều lắm tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ vào một sảnh điện kia có trưng bày những bộ phẩm phục của các vua, hoàng hậu, công chúa… Được biết có một học giả, cũng là một ngón đàn guitar classique có hạng ở vùng Washington, DC trong nhiều thập niên, là anh Trịnh Bách, đă trở về VN thực hiện việc t́m kiếm h́nh ảnh, các loại tơ lụa, các tay thợ may thêu… để phục hưng lại những xiêm y của hoàng tộc khi xưa. (Nhóm có gặp anh Trịnh Bách trong bữa ăn chả cá ở Hà Nội).
Nh́n những mái ngói và sân gạch đă phủ màu rêu, tôi tưởng tượng khi xưa màu gạch, màu ngói c̣n đỏ chót, chắc là phải đẹp lắm. Tới một cái cổng nữa th́ phải ngừng, v́ có đi qua cũng chẳng c̣n ǵ để mà xem. Anh tour guide nói cổng này là ranh giới, các quan không được vượt qua v́ phía trong là cung điện của gia đ́nh vua, nơi ở của hoàng hậu, các cung phi và công chúa, hoàng tử… và phụ nữ ở trong đó không được bén mảng ra tới ngoài này. Nghe nói là cung điện của vua, hoàng hậu, cung phi…. mà nh́n …chả thấy ǵ cả! V́ các cung điện ấy đă bị tàn phá bởi bom đạn của chiến tranh, hầu như không c̣n để lại dấu vết ǵ ngoài cỏ hoang mọc dại. Nhiều người lớn trong nhóm nhắc tới biến cố Mậu Thân 1968, nghe đâu Việt Cộng vào ẩn núp trong thành nội và bị dội bom. Thế nhưng anh tour guide lập lại nhiều lần là quân Pháp đă tàn phá thành nội hồi năm 1948 lận! Các bác, các anh chị trong nhóm đành nh́n nhau …lắc đầu …cười trừ! Cứ cho rằng anh tour guide c̣n nhỏ tuổi, được học về lịch sử theo kiểu nào đó và ḿnh đành chịu!
Đi trở ra, rẽ sang một phía để tới thăm một điện khác có đặt bài vị của từng vị vua ḍng họ Nguyễn. Thực sự khi viết đoạn này, tôi thấy vốn liếng tiếng Việt của ḿnh quá nghèo nàn để diễn đạt những ǵ thuộc về thế giới của vua chúa. Trên lối đi lát gạch và có thành cao 2 bên, trời về chiều, khung cảnh khá vắng lặng, anh tour guide nói vua thường cỡi ngựa đi dạo ở đây. Ôi! Dù đây là thành nội Huế mà tôi cũng chợt thấy ngậm ngùi:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Hồn cũ lâu đài bong tịch dương
(Thăng Long Thành Hoài Cổ, Bà Huyện Thanh Quan).
Khi vào thăm các bài vị của các vị vua triều Nguyễn, chúng tôi phải để giày dép ở ngoài, giữ im lặng, và không được chụp h́nh. Hà! Từ nhỏ tới giờ tôi vẫn khoái vua Duy Tân nhất! Nhà vua trẻ, ăn mặc theo kiểu Tây phương, từng làm phi công, nhưng có âm mưu chống Pháp và bị Pháp dàn cảnh sao đó nên ngài bị rớt máy bay và thiệt mạng. Tôi cảm thấy vô cùng tiếc thương khi đứng trước bài vị của ngài.
Thăm các bài vị của các vua xong, chúng tôi đă mỏi nhừ cả đôi chân và bây giờ phải cuốc bộ trở ra. Bên ngoài cảnh chiều xâm xẩm tối, làm nổi bật vẻ tĩnh mịch, cổ kính nơi đây. Và bây giờ th́ lên xe đi ăn để kịp về lại khách sạn xem màn tŕnh diễn hát múa Cung Đ́nh, và sau đó xuống thuyền đi dạo sông Hương.
Ra khỏi thành nội, tối hôm đó ăn ở tiệm nào tôi quên mất rồi, chỉ nhớ có các món bánh nậm, bánh bột lọc ăn khai vị, đặc biệt là chả gị Huế được gói bằng loại bánh tráng rất lạ, c̣n kêu là bánh rê… c̣n các món khác tôi cũng quên luôn. Có lẽ tại được hứa hẹn là trưa mai sẽ được ăn bữa trưa chỉ toàn món Huế nên tôi lo …để hết tâm trí qua bữa sau mất rồi. À tôi nhớ măi chả gị bánh rê này, đứa con trai 15 tuổi của tôi cứ hỏi về Mỹ mẹ có làm được chả gị này không, tôi cũng ước ǵ làm được lắm chứ! Nhưng làm sao có bánh rê để gói? Nghe nói người ta pha bột củ ḿ cho sền sệt, xong nhúng tay vào bột rồi "rê" vào chảo nóng thành một lớp mỏng. Khi bánh chín sẽ lấy ra, để nguội và dùng để cuốn chả gị. Bánh có các sợi bột đan vào nhau, trông hơi giống vải mùng, khi chiên lên bánh chỉ hơi vàng nhưng ăn sẽ thấy ḍn tan. Ngon là ở chỗ đó!
Tôi cũng nhớ tiệm phục vụ khách hàng hơi chậm, và nhớ tôi có nói đùa với cặp Canadien là tại người Huế làm nhiều món công phu nên phải chờ lâu lắm! Mọi người bàn nhau là màn hát Cung Đ́nh th́ ai thích th́ đi nghe, không th́ về nghỉ ngơi để buổi tối xuống thuyền nghe hát trên sông Hương.
Ăn xong lên xe về tới khách sạn th́ thấy trong pḥng khách chính rất lớn đă được đổi thành pḥng tiệc và khách ngoại quốc ngồi chật ních. Tôi nhanh chân vào trước, mong cậu em mang máy quay phim vào lẹ lẹ v́ điệu nhạc, điệu trống quá hay, có vẻ linh đ́nh lắm chứ không nhẹ nhàng như những màn dân ca chúng tôi được xem tŕnh diễn ở miền Bắc. Cung điệu và giọng hát ngân nga làm tôi liên tưởng đến điệu nhạc hát bội của miền Nam, và trên sân khấu đoàn vũ công cầm đèn lồng uốn lượn theo điệu trống cung đàn rất nhịp nhàng, uyển chuyển. Tôi chưa xem hát Cung Đ́nh bao giờ, nhưng nghe điệu nhạc, tiếng trống kèn, đoàn vũ ăn mặc theo kiểu triều đ́nh, đèn lồng nối đuôi nhau… tôi cũng cảm thấy một cái ǵ đó cổ kính, xa xưa, không c̣n thuộc về thế giới của ḿnh nữa, mặc dù kinh thành khi xưa là ở ngay nơi đây, và con cháu hoàng tộc c̣n sinh sống trong thành nội…. C̣n đang ngơ ngẩn xem th́ màn tŕnh diễn …kết thúc! Tôi tiếc quá chừng chừng v́ về trễ, mà đa số người trong nhóm th́ lại về đi nghỉ để lát nữa xuống thuyền. Uổng thiệt! Tôi cũng về pḥng một chút chờ tới giờ xuống thuyền. (cont.)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 08, 2004
Answers
Response to Tôi Thấy Và Nghĩ Ǵ Khi Về Thăm Đất Nước? P10
Dung la` "AO GAM VE^` LANG` " Co khac, ca 1 dong anh em co di chu bac keo' theo de ma` an cho, an chuc. , an ban^? sau lung cai "MAC' " viet kieu hoi huong!. Khong thay mac co*~, khong biet nhuc., gia tri con nguoi o dau ?. Tu ai cua ban than cho nao`. chi vi` mieng an chang le~ da~ vat bo tat ca nhung thu ay' vao` thung rac roi sao co^ LAN...... !.
-- hoang thuy vy vy (hoang_thuy_vy_vy@yahoo.com), January 08, 2004.
-- Con Ho Dam Tac - Nong Duc Manh (Con_Ho_Dam_Tac@hn.vnn.vn), January 08, 2004.
Buổi Tối Trên Sông Hương…Nhóm tụ tập lại đầy đủ, kể cả con nít… Chúng tôi bước xuống chiếc thuyền chờ sẵn, và thuyền nhổ neo đi về phía cầu Trường Tiền. Thuyền trống 3 mặt, có thể nh́n qua cửa kiếng để xem cảnh sông ban đêm. Thuyền và ban nhạc được thuê riêng cho nhóm nên không khí trên thuyền rất là ấm cúng, thân mật. Phía trước, những nhịp cầu nổi bật trong ánh đèn màu sắc thay đổi đậm nhạt từng lúc thiệt là đẹp. Thấy trên bàn có một thùng đựng hoa hồng tươi, tôi đoán là để bán cho khách. Ban nhạc có 3 nhạc công và 4 ca viên c̣n khá trẻ, các cô gái Huế mảnh mai duyên dáng trong những chiếc áo dài may rất khéo. Mọi người chọc cậu em út của tôi v́ cậu này c̣n độc thân và từ lúc xuống thuyền trông thấy mấy cô, cậu có vẻ tươi tắn hẳn lên so với buổi đi chơi lúc ban chiều. Chủ thuyền mang ra một b́nh trà nóng để mọi người cùng thưởng thức. Một cô trong ban ca nhạc đứng ra giới thiệu, giọng Huế thỏ thẻ nhưng không kém phần chững chạc nhà nghề. Các nhạc công trổi nhạc từ các nhạc cụ cổ truyền gồm đàn tranh, đàn bầu, và đàn t́ bà (hay đàn c̣ ǵ đó tôi không rơ). Các cô thay nhau hát đơn ca các bài dân ca miền Trung, trong khi các cô c̣n lại ngồi gơ nhịp bằng cái phách(?) gỗ hoặc dùng đôi tay có xỏ những cái tách trà nhỏ xíu, có vẻ như làm bằng một loại men rất mỏng. Các cô dơ cao hai bàn tay và rung những ngón tay thật nhanh và đều để những cái tách men này va chạm vào nhau tạo thành những âm thanh ṛn ră như tiếng reo vui trước con mắt thán phục của mọi người. Mỗi cô hát xong th́ đúng ra sẽ có người mua hoa hồng tặng, nhưng cái khổ là khi đi theo tour chúng tôi chỉ mang theo bóp ví mỗi khi lên xe đi chơi xa thôi, c̣n từ khách sạn bước xuống thuyền ra sông vào lúc khuya như vầy th́ chả ai mang đồng nào cả. Thấy các cô hát quá hay, hát như với hết cả tâm hồn cho ḿnh nghe, tôi bèn hỏi người trưởng nhóm “xin” ít tiền mua hoa hồng đưa cho bà con để thay phiên nhau tặng các ca viên và các nhạc công, v́ cũng không bao nhiêu mà lại vui ḷng chủ thuyền khi họ bán hết được số hoa. Cho hoa hồng mà không có “tí ǵ” kèm theo chúng tôi cũng …ngại lắm, nhưng sau đó được biết trưởng tour sẽ lo tiền tip cho ban ca nhạc nên chúng tôi thở phào.
Tới ngay cầu th́ thuyền dừng lại, mỗi người lấy một cái lồng đèn giấy trong có sẵn cây đèn cầy, đốt lên rồi thả xuống sông với một lời ước nguyện nào đó, chân thành hoặc đùa vui…. Trong lúc nghỉ xả hơi, các cô ca viên xinh đẹp kia đă túm lại hỏi chuyện cậu em tôi. Cậu này không đến độ nhát gái, nhưng rất cẩn trọng khi làm quen với các cô v́ sợ các cô có những cảm xúc không được thoải mái. Bữa nay lại được các cô vui vẻ làm quen rất tự nhiên, cậu vui như tết và khi về đă phát biểu “lần sau về VN sẽ ra Huế ở lâu hơn!". Tôi cũng nhờ thế mà biết được thế nào là cái lăng mạn của các cô gái Huế, cái lăng mạn mà theo tôi th́ người con gái nào cũng nên có khả năng bày tỏ một cách tự nhiên và khôn ngoan như những cô gái Huế này vậy.
Khi thuyền đi trở về, một cặp trai gái đă làm chúng tôi cười thoải mái với điệu ḥ đối đáp vui tươi và dí dỏm của họ. Rất tiếc cho tới bữa nay tôi vẫn chưa có bản copy của cuốn video do cậu em quay để ghi lại những câu đối đáp thi vị này… Ái chà, người ta nói xứ Huế, sông Hương mang tính chất lăng mạn t́nh tứ quả không sai tí nào.
Đi dạo thuyền sông Hương về, trước khi lên pḥng ngả lưng, một vài người chúng tôi theo lệ quen là khi tới một khách sạn mới th́ việc đầu tiền là ra phố t́m internet café để liên lạc với gia đ́nh, bạn bè… v́ giá ở ngoài quá rẻ so với giá xài internet trong khách sạn. Riêng tôi phải theo dơi e-mail mỗi ngày v́ tôi đă mua vải để ở 1 tiệm may ở Sàig̣n, xong đánh e-mail về cho các cô em dâu và em gái, theo bảng chỉ dẫn của tiệm may để nói họ tự lấy số đo và gởi sang cho tôi, tôi sẽ chuyển tới tiệm may qua e-mail hoặc điện thoại, và khi trở lại Sài G̣n th́ áo dài của các cô em này đă may xong kịp cho tôi mang về Mỹ.
Tôi đi bộ tới internet shop cùng với cậu em, thằng con 15 tuổi của tôi và cô bé 18 tuổi con của gia đ́nh từ Washington, DC. Ba đứa này dùng internet xong trước và hỏi tôi để thuê xích lô đạp đi dạo cầu Trường Tiền. Tôi đồng ư ngay v́ thấy phố xá ở đầy có vẻ yên tĩnh, hiền hoà, chắc chả có ǵ đáng ngaị. Ấy vậy mà khi mỗi đứa leo lên một chiếc xích lô đạp riêng là tôi hoảng ngay, nhưng đă muộn… Ba anh phu xe đă đạp đi thật nhanh… Cậu em đă 30 tuổi nên tôi không lo, nhưng cậu lại mang nhiều tiền, máy quay phim và chụp h́nh đeo lủ lẳng… Không chừng lại là một cám dỗ cho kẻ gian… C̣n hai đứa nhỏ, nhất là con gái nhà người ta, mỗi đứa ngồi riêng 1 xích lô th́ ai chở đi đâu làm sao chúng biết được, và cũng không thể nào giúp được nhau…
Lo quá, tôi chạy vội về khách sạn, lấy điện thoại di động gọi cho trưởng nhóm xuống. Trưởng nhóm (cũng là bố sắp nhỏ) đang chơi với đứa con nhỏ của tôi bèn lao xuống với thằng con, và nói tôi đừng tưởng thấy phố xá hiền hoà mà tin được mọi người, v́ những chuyện cướp bóc thường xảy ra vào ban đêm và ở nơi vắng vẻ hơn là chỗ đông người. Anh bèn leo lên một chiếc xe ôm và xe phóng ngay lên cầu Trường Tiền… C̣n lại tôi đứng chờ với đứa con nhỏ ở cổng khách sạn có người canh gác nên không lo, nhưng thật là sốt ruột… Hai mẹ con tôi bèn ngắm khúc phố trước mặt và những sinh hoạt ban đêm ở đó. Những gánh hàng ăn ở góc đường với ánh đèn leo lét nhưng không khí ấm cúng với những người khách ngồi vây quanh trên những chiếc ghế thấp, mùi đồ ăn thơm và hơi nóng toả ra thấy vô cùng hấp dẫn. Tôi bảo con tôi là nếu gia đ́nh ḿnh ở VN như thế này th́ các anh lớn và bạn bè của họ cũng kéo nhau đi ăn hàng như vậy vui lắm, c̣n ở Mỹ th́ chả có ǵ, cứ phải vào nhà hàng ngồi, ăn món ǵ cũng dễ bị mập mà chả khoái khẩu tí nào…
Mỗi lần có 2,3 chiếc xích lô đạp cùng đi về phía khách sạn là hai mẹ con tôi lại mở lớn mắt nh́n xem có phải 3 đứa nhóc đă về, nhưng lại thất vọng v́ vẫn không phải! Chúng tôi chú ư đến những chiếc xe có quầy bán hàng phía trước và người bán ngồi ở phía sau, vừa đạp xe vừa rao hàng. Ở quầy xe phía trước là một nồi ǵ đó thấy bốc khói nghi ngút, phía trên có tủ kiếng nhỏ để các đồ gia dụng, và đặc biệt là có một đoạn bóng điện néon toả ánh sáng màu trắng… Tôi phục đầu óc sáng tạo của những người bán hàng rong này, và chợt nghĩ sẽ có ngày ḿnh mua đồ ăn từ những chiếc xe như vậy, chắc là phải …ngon lắm! Một anh xích lô đạp theo dơi mẩu đối thoại lúc năy của tôi với bố sắp nhỏ nên cứ gạ để tôi đồng ư cho anh chạy theo cho …chắc ăn. Tới lúc chờ khá lâu mà vẫn không thấy, tôi đồng ư để anh đi. Anh vừa đi được chút xíu th́ 3 chiếc xích lô đạp đă trờ tới và đằng sau là anh trưởng nhóm cũng vừa nhảy xuống khỏi xe ôm và trả tiền cho tất cả. Dĩ nhiên anh phu xích lô đạp chạy theo sau cùng cũng có mặt và anh đ̣i tiền, chúng tôi trả cho anh một khoản nhỏ th́ anh không chịu và đ̣i thêm… Thôi th́ cũng trả cho anh vừa ḷng… Dù sao th́ tôi cũng đă an tâm để về đi ngủ. C̣n cậu em tôi và 2 đứa nhóc th́ có vẻ rất hả hê sau khi được tự ḿnh đi một ṿng dạo mát trên cầu Trường Tiền bằng xích lô đạp vào ban đêm!
Đêm đă khuya và tôi cũng mệt, lại thấy bờ sông Hương đẹp quá, tôi bảo trưởng nhóm sáng mai mọi người cứ đi xem các lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn, c̣n tôi sẽ ở nhà thưởng thức một buổi sáng của riêng ḿnh… (c̣n tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 08, 2004
-- Con Ho Dam Tac - Nong Duc Manh (Con_Ho_Dam_Tac@hn.vnn.vn), January 08, 2004.
Vẫn Huế…
Buổi sáng hôm sau, trong khi mọi người phải dậy sớm, ăn sáng và sửa soạn đi xem lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, tôi và đứa con nhỏ nhất tha hồ ngủ nướng, nhưng cũng chỉ được một lúc th́ phải dạy, sửa soạn rồi xuống pḥng ăn kẻo hết giờ ăn sáng. Pḥng ăn có cửa kính nh́n ra sông Hương. Khách ăn chỉ c̣n vài người v́ đă gần hết giờ. Đồ ăn vẫn đó nhưng có vẻ quá yếu kém so với những bữa ăn sáng ở Grand Hotel trong Sài G̣n và ở Hà Nội Horison. Có bún ḅ nhưng rất dở, có lẽ những khách sạn có nhiều khách ngoại quốc nên nấu cho có mà thôi, v́ biết khách ngoại quốc không thể phân biệt ngon dở, miễn trông sạch sẽ là được. Nắng đă lên cao, ngoài trời khí hậu mát mẻ nên mẹ con tôi chỉ ăn qua loa, sau đó tôi mang theo một tách cà phê ra ngồi ở một cái bàn ngoài sân để tắm nắng và ngắm thuyền bè qua lại trên sông và xe cộ chạy trên cầu Trường Tiên.Uống cà phê ở khách sạn cho tới bữa sáng hôm nay vẫn là một điều vô cùng thất vọng cho tôi! Từ Sài G̣n, ra Hà Nội, và bữa nay ở Huế đều như vậy hết. Cà phê pha theo gout Việt Nam, nghĩa là rất đặc, đáng lẽ phải uống với sữa đặc VN mới thấy được cái ngon đậm đà của cà phê. Đằng này, có lẽ các khách sạn muốn theo kiểu Mỹ uống với loại cream half and half, nhưng không có cream th́ họ thay bằng sữa tươi trông cũng giông giống, nhưng sữa tươi được dùng trong các khách sạn này lại lỏng le lỏng lét. Con tôi thèm sữa cả mấy tuần nay nhưng vẫn không muốn uống loại sữa lỏng le này. Sữa lỏng như vậy mà cho vào cà phê đậm đặc th́ cà phê chỉ biến từ đen sang …nâu đen và vẫn c̣n quá đặc. Cho thêm sữa cho đỡ đậm đặc th́ cà phê nguội mất tiêu và không có vị ngậy của cà phê sữa chút nào. Cứ mỗi sáng uống cà phê như vậy là coi như hỏng toi mất nửa cái thú nhàn hạ của tôi trong những ngày đi chơi như thế này.
Cơn gió mát thoảng đưa tôi về hiện diện với không khí d́u dịu của một buổi sáng gần Tết ở Huế. Nơi bờ sông Hương, tôi có thể ngồi mơ màng trong nắng mà dơi mắt nh́n mọi quang cảnh dưới nước, nơi bờ sông, và trên cầu… Mọi sinh họat diễn ra trong quang cảnh êm đềm, thơ mộng… Không biết giờ này nhóm đang đi xem lăng tẩm ra sao, riêng tôi thấy ḿnh lựa chọn ở nhà một ḿnh vào buổi sáng hôm nay thật là thú vị.
Ngắm cảnh sông nước được một lúc, tôi dắt con ra phố. Các cửa hàng ở đây có vẻ hiền hoà, người ta cũng chẳng để ư ǵ đến mẹ con tôi. Chúng tôi chỉ đi tới chân cầu rồi quay về. Đường xá ở đây rộng răi, xe cộ không nhiều, có lẽ không nhằm vào khoảng vội vă của giờ tan sở hay ta trường. Tôi ưng nếp sống thong thả ở đây quá, nhưng đó chỉ là một ư nghĩ thoáng qua trong đầu và có lẽ không liên hệ ǵ với nếp sống thực sự của những con người vẫn cư ngụ nơi đây.
Khi tôi về lại khách sạn th́ xe của nhóm cũng vừa về tới nơi, mọi người lo mang hành lư xuống để đi ăn trưa rồi đi xem chùa Thiên Mụ, sau đó trực chỉ đường vào Đà Nẵng để c̣n kịp xem cảnh đèo Hải Vân trước khi trời tối. Đám trẻ nói tôi không đi xem lăng tẩm là uổng, và khoe chúng được mặc đồ vua chúa để chụp h́nh vui lắm.
Xe rời khách sạn và đưa chúng tôi tới quán Vườn Ngự Hà để ăn bữa trưa toàn đặc sản Huế như được hứa từ hôm qua. Muốn tới quán, chúng tôi phải vào thành nội đă thăm chiều hôm qua, nhưng đi vào tận khu con cháu hoàng tộc cư ngụ. Quán Vườn Ngự Hà là một ngôi nhà cổ, xây bằng gỗ quí rất đẹp. Có lẽ bữa trưa hôm nay được đặt riêng cho nhóm nên không có khách khác. Thế là chúng tôi tha hồ tự nhiền như ở …nhà của ḿnh vậy. Những dăy bàn lịch sự được dọn sẵn cho chúng tôi, đối diện với một dăy các sạp và gánh hàng ăn với những cô bán hàng mặc y phục cổ truyền, áo dài gấm và khăn quấn trên đầu đàng hoàng. Thế là cái thú ăn cơm hàng cháo chợ của tôi nổi dậy, trong khi mọi người ngồi vào bàn th́ tôi đi ngó một loạt các sạp hàng rồi kéo ghế ngồi ngay vào sạp đầu tiên, và cứ thế mà “lê la” hết sạp này tới sạp kia. Thôi th́ đủ cả: bánh nậm, bánh bèo Huế, bánh bột lọc, bánh khoái, nem Huế, chả gị Huế gói bằng bánh rê, bánh ướt cuốn thịt nướng, bún ḅ Huế, cơm âm phủ, nộm hến… và các loại chè, đặc biệt là chè …thịt quay có những viên chè làm bằng nếp bọc thịt quay ăn dẻo và thơm ngậy… Vừa được nh́n đă mắt, vừa được ăn tha hồ món ǵ cũng được, ăn đi ăn lại bao nhiêu lần, càng ăn các cô càng như vui hơn v́ đắt hàng. Nhưng chúng tôi chẳng phải trả đồng nào hết, v́ tour đă tính rồi. Sau này tôi nghe nói ăn ở đây giá mắc, chứ có nhiều quán đặc sản Huế rất ngon và rất rẻ. Ái chà, cũng tại là khách từ nước ngoài nên thường được thưởng thức kiểu …ẩm thực văn hoá nhiều hơn là ẩm thực kiểu b́nh dân rẻ tiền mà khoái khẩu.
Ăn đă đời rồi, chúng tôi vào pḥng vệ sinh để rửa tay. Hà! Có những cái lu sành đựng nước và những cái gáo dừa để múc nước rửa mặt mũi tay chân! Đúng kiểu nhà quê 100% nhưng rất sạch sẽ. Chúng tôi đi lanh quanh trong khu vườn nhỏ để xem cây cảnh và chụp h́nh, rồi lên xe đi chùa Thiên Mụ. Anh tour guide chỉ cho chúng tôi những địa danh như núi Ngự B́nh, thọ Xương, thôn Vĩ Dạ, chợ Đông Ba, và làng An Cựu chuyên trồng lúa cho nhà vua ăn… Xe chạy nhanh thoáng qua các địa danh này nên không kịp ghi nhận được ǵ cả.
Tới cổng chùa Thiên Mụ, chúng tôi xuống xe đi bộ vào. Đi ngang qua các khu bán hàng lưu niệm, tôi thấy rất nhiều bức tranh lụa vẽ rất đẹp, nhưng không dừng lại mua v́ tính để khi đi ra sẽ thong thả coi kỹ rồi hăy mua. Tới những bực thang dẫn lên chùa, chúng tôi dừng lại chụp h́nh v́ cảnh trí quá đẹp. Một bên là sông Hương, một bên là tháp chùa cao phủ rêu xám, những bậc thang chạy tít tắp từ dưới lên, cộng thêm những dáng cây nghiêng nghiêng trên mặt nước…Đó là những cây phượng vĩ mà vào mùa hè sẽ nở hoa đỏ rực th́ cảnh chùa c̣n đẹp tới đâu! Lên tới chùa, chúng tôi đi dạo một ṿng. Cảnh vườn chung quanh chùa thật đẹp và êm đềm, tôi mải ngắm cảnh và chẳng để ư tới những lời giải thích của anh tour guide nữa. Có mấy vị sư ra hỏi chuyện và đùa giỡn với mấy đứa nhỏ, nhưng khi chúng tôi đi tới gần th́ họ lại có vẻ dè dặt, tôi cũng không biết cách chào hỏi của các Phật Tử nên không dám mở lời, và họ cũng bỏ đi. Có lẽ du khách đến viếng chùa th́ cứ viếng, chuyện thường ngày ở nơi này mà.
Khi trở ra, mấy người bán hàng chào mua măng cụt nên tôi dừng lại mua cho một hàng, rồi hàng kế bên cũng cố chào nên tôi phải mua thêm cho họ vui. Trong khi đó mấy người trong nhóm vào mua tranh lụa, rồi th́ chúng tôi bị hối ra xe c̣n kịp đi tới đèo Hải Vân trước khi trời tối. Lên xe, tôi mới biết có anh chị mua rất nhiều tranh lụa, bức nào cũng đẹp, giá rẻ hơn tranh thêu tôi mua ngoai Hà Nội rất nhiều. Tranh lụa lại mỏng và nhẹ, rất tiện để đem về Mỹ làm quà. Thế mà tôi lại không kịp mua bức nào, thiệt uổng. Cũng tại ba cái trái măng cụt này!
(c̣n tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 08, 2004
-- Con Ho Dam Tac - Nong Duc Manh (Con_Ho_Dam_Tac@hn.vnn.vn), January 08, 2004.
Đà nẵng, Hội AnĐoạn đường từ Huế vào Đà Nẵng khởi đầu bằng những khúc đi rất xóc và quanh co, nhưng có lẽ đă quen chấp nhận đường xá ở VN nên không thấy ai phàn nàn ǵ. Hoặc giả cảnh chung quanh khá đẹp, dù mới chỉ là chỗ sông nước với những căn nhà nghèo nàn của dân quê và những công tŕnh xây cất đang dang dở… Càng lúc cảnh càng đẹp thêm măi… Cảnh hoàng hôn với vùng núi non xanh bạt ngàn và biển cả rộng mênh mông… Xe leo dần lên triền núi cao và mặt trời như xuống thật chậm, cho chúng tôi tha hồ nh́n từ trên cao xuống để thấy cảnh “non nước hữu t́nh”… Nghe nói đây là băi biển Non Nước, trải dài từ vùng bờ biển Mỹ Khê tới gần biển Cửa Đại. Tên là băi biển Non Nước mà không hiểu tại sao người Mỹ lại gọi là China Beach, và có show tivi quay ở đây cũng mang tên China Beach nhưng tôi chưa hề coi. Đi một hồi th́ thấy một cái vịnh lớn,phía trong ăn sâu vào đất liền như một cái hồ, gọi là Đầm Lăng Cô, và phía bên ngoài là một băi cát dài gọi là băi biển Lăng Cô.
Một bên là biển, một bên là là đầm, người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi thấy ở giữa có một đường xe, chỗ eo nhỏ nhất có một cây cầu bắc ngang và đi tiếp là tới chân đèo Hải Vân. Anh nói cảnh đó tương tự như vịnh San Francisco và cây cầu Golden Bridge, tầm vóc tuy nhỏ nhưng cảnh thiên nhiên có phần trội hơn, và c̣n đẹp ở chỗ cái mũi của cồn cát ấy chạy theo bờ biển và hơi cong lên để có chỗ làm cây cầu. Xe dừng lại ở đỉnh đèo Hải Vân cho chúng tôi xuống duỗi tay duỗi chân cho thoải mái. Nơi đây có nhiều hàng quán bán nước uống, đồ ăn lặt vặt, thuốc lá, đồ lưu niệm… Đứng ở đây nh́n xuống mới thấy được vẻ kết hợp thơ mộng giữa màu sắc của biển nước trong, cát trắng vàng, hàng cây xanh ŕ của một xóm đạo nằm ven biển. Người hướng dẫn cho biết xóm đạo nhỏ này c̣n gọi là làng chài Lăng Cơ, và ở đó có một ngôi thánh đường cổ, nhỏ bé và rất duyên dáng.
Xem cảnh đẹp đă đời xong th́ trời cũng vừa tối và chúng tôi kịp đến khách sạn Hội An, bỏ đồ xuống là đi ăn tối ngay. Trong khi chờ đợi mọi người có mặt đầy đủ ở khu vực lễ tân (lobby) của khách sạn, tôi nói với cậu em là ở đây người ta nói giọng Quảng Nam mà cậu chưa nghe bao giờ nên chắc sẽ không hiểu. Tôi hỏi đùa cậu:
- Nếu gặp một cô cậu thấy thích, cậu hỏi xin số phôn, rồi cô ấy trả lời là: Tắm ba bửa, không tắm một bửa… th́ cậu có hiểu cô ấy nói ǵ không?
Cậu em tôi nghệt mặt ra, lẩm nhẩm …tắm ba bửa… xong cậu lắc đầu cười chịu thua.
Vừa lúc ấy mọi người cũng đă tới đầy đủ và chuẩn bị ra xe, người hướng dẫn hỏi một cậu nhân viên lễ tân để biết số điện thoại của nhà hàng đă đặt sẵn, v́ cần cho họ biết là chúng tôi sắp đến. Cậu lễ tân này trả lời:
- Dạ, tám shố bốn, bốn shố ba…
Tôi cũng đứng gần đó nên quen theo kiểu đọc số của người Mỹ, bèn lẩm nhẩm: 4 4 4 4 4…3 3 3… Ủa, sao số phôn ǵ …dài vậy? Anh hướng dẫn trước đây sống ở Mỹ nên chắc cũng đang lẩm nhẩm như tôi… Anh cũng khựng lại và hỏi cậu lễ tân:
- Hả, số mấy nói lại đi…
- Dạ, tám shố bốn, bốn shố ba…
- Ối giời ơi, th́ ra 864-463… Cám ơn em nhé.
Xe đưa chúng tôi tới nhà hàng Phố Hội ở đường Nhị Trưng mới. Nhà hàng này có lối kiến trúc kiểu Trung Hoa, làm toàn bằng gỗ lim rất tốt và đẹp. Người hầu bàn chính ra tiếp chúng tôi, tưởng anh ta nói tiếng Quảng sẽ rất khó nghe, ai dè anh nói giọng Bắc đặc sệt, nên tôi ngạc nhiên và cũng hơi thất vọng. Tôi muốn tới vùng nào được nghe tiếng vùng nấy nó mới đă chứ. Tôi hỏi nhỏ một anh trong đoàn ngồi bên cạnh:
- Tại sao không nghe người ta nói tiếng Quảng nhỉ? Mà lại nghe toàn giọng Bắc đặc thế này nghĩa là sao?
Anh ghé tai tôi trả lời:
- Th́ những cơ sở làm ăn to tát thế này bây giờ thuộc về các cán bộ cao cấp từ Miền Bắc, và nhân viên là con cháu họ chứ c̣n ai vào đây nữa?
- À, th́ ra thế!
Bữa ăn tối nay tôi không thấy ngon miệng, v́ cũng là nhiều món thịt cá ăn với cơm như mọi bữa. À, tôi nhớ món mà mọi người ăn thấy đă nhất hôm đó là rau cải luộc, dù chỉ là cải bắc thảo có cọng trắng nhiều hơn lá xanh. Đi du lịch thật hiếm được ăn những món đơn giản như thế này.
Ăn xong, chúng tôi có thể thả bộ về khách sạn. Một nhóm chúng tôi quyết định đi dọc đường Lê Lợi là con đường có rất nhiều cửa hàng tơ lụa, vừa bán vừa đo may cho khách hàng tại chỗ. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết Hội An có tên cũ là Phố Hiến, là nơi người Pháp đă đổ bộ vào VN trong thời kỳ đầu tiên của kế hoạch xâm lăng nước ta. Phố Hiến ngày xưa cũng là nơi các doanh nhân từ Trung Hoa và nhiều nước Tây Phương đến buôn bán rất sầm uất. Thời thế chiến thứ hai, người Nhật cũng dổ bộ vào đây… Do đấy, Hội An ngày nay c̣n vết tích của 3 nền văn hoá Việt, Hoa, và Nhật… với những cộng đồng Việt Hoa, Việt Nhật và những ngôi nhà cổ trên cả 200 năm với kiến trúc ảnh hưởng bởi 3 nền văn hoá này.
Tối nay chúng tôi chỉ dạo phố Lê Lợi để xem chứ chưa mua vội, v́ chiều mai sẽ có giờ cho mọi người tha hồ… Phố tấp nập với nhiều người ngoại quốc đi dọc hai vỉa hè. Các cửa tiệm cũng có vẻ như buôn bán theo nhu cầu của người Tây Phương… Những tiệm rượu với đủ các loại rượu vang và rượu mạnh nhập cảng, kẹo Chocolate và các loại bánh kẹo nhập cảng đủ loại… Các tiệm bán tranh, đồ điều khắc và các món thủ công nghệ khác… Nhiều nhất vẫn là các cửa hàng tơ lụa, và đặc biệt là những cửa tiệm bán đèn lồng làm bằng vải lụa và khung tre, rất nhẹ và có thể xếp gọn lại mang về Mỹ để làm qua tặng… Thôi th́ đủ cỡ đủ màu, khi căng ra sẽ thành những lồng đèn từ thật lớn để treo nơi nhà cao cửa rộng, cho tới nhỏ xíu xinh xinh cho trẻ em treo chơi thành từng dây đèn trong pḥng… Tṛn có, dài có, dạng kim cương có… Có lẽ tôi chỉ thấy Hội An là nơi có loại đèn lồng này mà thôi. Không thấy có nhiều tiệm ăn dọc theo phố như ở Sài G̣n hay Hà Nội… Chúng tôi đi gần tới cuối phố, tới bờ sông th́ quay về… Ở khúc này vắng hơn chút, hai bên đường có nhiều chỗ người ta đặt mâm hoa quả, đèn nến để cúng rằm… Nghe nói có những ngày lễ hội hay ngày rằm, cả phố sẽ đốt lồng đèn rồi mang thả dưới sông.
Về tới khách sạn th́ mệt đừ … Khách sạn Hội An đặc biệt có nhiều building 3,4 tầng xây bằng gỗ quí nhưng đứng riêng rẽ và không building nào có thang máy cả, dù nhân viên phải khiêng hành lư từ tầng trên cùng xuống cũng phải leo thang như thường. Thành ra chúng tôi cũng khá vất vả để t́m đúng building của ḿnh và …leo mệt nghỉ mới lên được tới pḥng ḿnh. Thôi th́ cũng phải ráng để về ngủ v́ mệt quá rồi… (c̣n tiếp)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 08, 2004
-- Con Ho Dam Tac - Nong Duc Manh (Con_Ho_Dam_Tac@hn.vnn.vn), January 08, 2004.
Ngũ Hành SơnCoi như hôm nay là ngày chót của chúng tôi ở Đà Nẵng, và là ngày chót của gia đ́nh tôi trong chuyến tour này. V́ ngày mai mọi người sẽ lên máy bay vào Nha Trang, c̣n gia đ́nh tôi sẽ bay về Sài G̣n.
Sáng sớm chúng tôi dậy ăn sáng. Nói chung đồ ăn sáng ở khách sạn nào cũng vậy vậy, nửa Tây nửa Ta. Đặc biệt khách sạn Hội An có những món bánh ngọt Tây làm theo gout Viet Nam ăn rất ngon v́ không quá ngọt. Caphê th́ khách sạn nào cũng vậy, không ngon. Điều làm tôi nhớ măi khách sạn này, là khu vườn nơi chúng tôi ngồi ăn sáng. Buổi sáng trời mát, nắng c̣n nhẹ, khu vườn được kê nhiều bàn ghế trải khăn trắng lịch sự, vừa ngồi ăn vừa thưởng thức cây cảnh và tiếng chim hót, thật tuyệt vời! Buổi sáng cũng thường là bữa ăn nhẹ nhàng nhất, ai ăn ǵ tự lấy món đó rồi đem ra bàn nhỏ ngồi riêng từng gia đ́nh một. Không khí như vậy rất thoaải mái và riêng tư, so với những bữa ăn trưa và tối tại các nhà hàng rất ồn ào, v́ phải ngồi bàn lớn chung với nhiều người và chung quanh có quá nhiều thực khách khác.
Sau đó phải chuẩn bị hành lư để ra khỏi khách sạn Hội An để sang Hội An Beach resort ngủ tối nay. Tất cả đồ đạc được đưa vào “bụng” xe bus, trong khi chúng tôi sẽ đi rong chơi cả ngày. Chúng tôi phàn nàn v́ ngày nào cũng phải đổi khách sạn, mất công thu xếp và di chuyển hành lư khiến chuyến đi thêm phần mỏi mệt. Trưởng nhóm cho biết đáng lư chúng tôi chỉ ở Hội An Resort Beach Resort trong 2 ngày 2 đêm ở Đà Nẵng, nhưng bên đó đă không c̣n chỗ cho cả nhóm, thành ra phải ngủ mỗi bên 1 đêm. Thế mới biết dịch vụ du lịch ở VN đang phát triển cỡ nào.
Xe chuyển bánh hướng về Ngũ Hành Sơn. Tới chân núi, có nhiều gian hàng lớn bán các tượng và đồ lưu niệm làm bằng đá, h́nh như là cẩm thạch trắng. Chúng tôi từ chối lời chào mời để c̣n kịp leo núi. Chặng ngừng đầu tiên là vào một cái hang, tôi đi sau nên tới đó không biết vào hang bằng lối nào v́ đường đi bỗng dưng tối hù. May quá có người ra cửa soi đèn pin dẫn vào. A! Vào đến bên trong th́ lại sáng, do ánh sáng mặt trời chiếu qua các khe núi. Một nhân viên ở đó đang giải thích về ngôi chuà trong hang, nhang khói nghi ngút và có vẻ linh thiêng. Tôi nhớ mang máng không khí trong hang ẩm ướt v́ h́nh như có nước nhỏ từ các khe. Anh nhân viên nói chùa này đă có từ lâu lắm (tôi nghe không rơ khoảng thời gian nào), và những hang động này là nơi ẩn trú của cả hai phe Việt Cộng và VN Cộng Hoà cùng quân Mỹ trong thời chiến. Họ dùng nơi này để làm nơi săn sóc các thương binh, nhưng lại không phải là nơi đụng độ nhau. Tôi tự hỏi có lẽ v́ sứ mệnh bác ái nên họ đă không đụng nhau, v́ cách cấu trúc của các hang động, hay v́ sự linh thiêng của thần thánh nơi những ngôi chùa được dựng nên hang bao thế kỷ bởi ḷng t́n vào đất trời của dân tộc VN?
Chúng tôi đi trở ra, và từ đó tự do leo và ngừng lại để chiêm ngắm cảnh núi non trùng điệp và nh́n xuống đại dương bao la. Quả là một cảnh đẹp nên thơ và hùng vĩ cùng một lúc. Trên núi có rất nhiều cảnh chùa và nhiều tượng phật làm bằng đá hết sức đẹp. Những loại đá trông như được tráng men, không thấy bị phủ rêu, nên cảnh trí có vẻ sống động và gần gũi với hiện tại. Có thể loại đá này rất bóng, nên rêu có muốn bám cũng không được? Những tượng này được đục đẽo bằng đá cẩm thạch lấy ngay từ núi, và ngọn núi tôi leo là Thuỷ Sơn, 1 trong 5 ngọn mang tên Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, và Thổ. Những tên núi này có từ hồi thế kỷ thứ 19, khoảng thời vua Minh Mạng. Nhưng những đền chùa trên núi th́ bắt đầu được xây từ khoảng thế kỷ thứ 15 lận. Cứ ngừng lại ở một cảnh chùa th́ được thấy cả núi lẫn biển, và có thể nh́n sóng vỗ trắng xoá và nghe gió biển thổi mát nhẹ. Tôi chỉ đi được vài ngôi chùa th́ đi xuống. Trên đường đi có nhiều quán nhỏ bán nước và đồ lưu niệm là những chuỗi đeo cổ và ṿng đeo tay xâu bằng những hạt đá màu rất đẹp, giá rất rẻ. Tôi mua một mớ về làm qua cho các cháu gái ở Mỹ. Nước uống th́ được dặn là chỉ mua những brand name và coi chừng loại giả, nên tôi “đành” uống nước dừa từ trong trái, ngon và bảo đảm.
Khi leo xuống, tôi gặp một cụ già ốm yếu, hom hem cũng đang chậm chạp leo xuống. Tôi hỏi chuyện và cụ cho biết là cũng mệt lắm, nhưng quen rồi! Xuống chân núi chúng tôi ghé xem các tượng và đồ lưu niệm làm bằng đá. Đồ làm rất nghệ thuật, không mắc, nhưng chỉ phải cái nặng quá, khó mà mang theo vào Sài G̣n khi mỗi người chỉ được mang tối đa 20 Kg hành lư khi lên máy bay.
Sau đó là đi ăn. Lại ăn! Lần này là một tiệm ăn theo gout Tàu nên coi như được đổi món. Lúc đó tôi chưa nghe tới món Cao Lầu ở Đà Nẵng, nên không biết để mà hỏi. Cũng chẳng nhớ để mà đ̣i được ăn món Ḿ Quảng nữa. Thiệt là uổng! Hôm đó chúng tôi bảo nhau đi đâu cũng ăn món cá, thịt heo và thịt ḅ… Ước ǵ được ăn gà chạy bộ và rau luộc! Ấy thế mà chỉ chút xiú là nhà hang mang lên “tặng thêm” món gà luộc và canh rau ngay! Họ tinh ư chiều khách thật! Gà Việt Nam chỉ ăn luộc là ngon v́ nhai đă miệng, và món canh hôm ấy là canh bù ngót, ai ăn cũng thích.
Ăn xong chúng tôi về Hội An Beach Resort, là nơi mà mọi người ưng ư nhất từ hôm đi tour cho tới nay. Biết tại sao không? Đây là một khu xa thành phố, nằm biệt lập sát bờ biển. Cách kiến trúc giống như nhà riêng, xây theo kiểu fourplex, hai tầng, mỗi tầng hai căn, có lối đi riêng. Nhóm được chia ra rải rác cả mấy căn. Mỗi căn khá rộng răi, sàn lót gạch Tàu màu đỏ, giường rộng có màn. Có căn th́ quay ra biển, có căn quay về phía sau cũng là nước, không biết kêu là ǵ, trông giống như sông và có nhiều dàn lưới cá. Căn nào cũng có ban công bên ngoài, ngồi xem cảnh rất đă. Pḥng tắm có cửa riêng đi ra ngoài, và ở cái cửa đi ra ngoài này có để một lu nước với cái gáo dừa để rửa chân cho sạch cát trước khi vô nhà. Cũng có ṿi nước để rửa chân và để làm đầy lu.
Mọi người nhanh chóng về “nhà riêng” (cảm thấy như thế) để nghỉ ngơi. Một vài người chúng tôi ra biển ngồi nghe sóng vỗ, hoặc xuống đùa nước nhưng trời như có băo nên hơi lạnh. Khi trở về con tôi bèn nhảy xuống hồ bơi ngay trước “nhà”, c̣n tôi vào jacuzzi và sauna cũng ngay đó…
Buổi chiều chúng tôi không hẹn mà lại ra gặp nhau ở “quán ven sông”, tức là pḥng ăn chính của khách sạn, kêu rượu bia và đồ nhậu lai rai, v́ chưa tới giờ cơm. Tôi đề nghị trưởng nhóm đổi thực đơn cho bữa tối, v́ chưa được ăn đồ biển nhiều ngoại trừ món cá, và cứ ăn cơm măi cũng chán. V́ là không khí gia đ́nh nên trưởng tour cũng rộng răi, tối hôm đó cho ăn tôm hấp dừa và cua luộc, sau đó là lẩu hải sản với nhiều loại rau. Mọi người được ăn một bữa mát ḷng và không khí rất vui v́ ngồi ngay bên song. Tôi nhớ có những ngọn đuốc thấp lửa sáng nên khung cảnh thiệt là ấm cúng và thơ mộng. Đó cũng là bữa tối sau cùng, để rồi gia đ́nh tôi sẽ chia tay mọi người vào sáng mai, hẹn gặp lại ở Sàig̣n.
Sau khi ăn trời đă tối, nhưng cũng c̣n kịp cho chúng tôi leo lên xe của khách sạn để trở lại phố cổ Hội An mua sắm cho thoả thích.
Tối nay trở lại, chúng tôi thấy khu phố Lê Lợi trở nên thân quen hơn. Tôi đặt may ít áo quần ở đây để sáng mai sẽ trở lại lấy. Hàng lụa trông đẹp, nhưng không biết có phẩm chất tốt lắm không, nhưng thôi cứ may đại v́ quá rẻ. Đám con nít đ̣i đi các tiệm lồng đèn để mua, và người lớn chúng tôi cũng bắt chước mua những lồng đèn lớn hơn về làm quà cho người quen. Loại lồng đèn này tôi đă nói tới rồi, làm bằng lụa, nhiều màu khác nhau, có gọng tre gập lại được nên rất nhẹ và gọn. Nói chung người buôn bán ở khu phố này rất hiền hoà, thân thiện với khách hàng, và đặc biệt là không nói thách. Có thể họ là người gốc Hoa lâu đời, cha ông họ đă đến nới này buôn bán từ mấy thế kỷ trước. Người Hoa nổi tiếng là giỏi buôn bán, và họ không nói thách, nên việc buôn bán của họ tồn tại lâu dài được.
Trở về khách sạn, ai về “nhà” nấy. Mấy đứa nhỏ chắc quyến luyến nhau v́ ngày mai phải chia tay, nên con trai tôi qua bên “nhà” kia chơi với bạn, tới khuya chưa thấy về. Định gọi điện thoại qua kiếm con, nhưng sợ lỡ chúng ngồi ở ngoài ban công c̣n cả nhà họ đă ngủ, nên chúng tôi lội bộ qua đó t́m. Trên đường đi giữa 2 dăy “nhà”, gặp mấy chú nhỏ được khách sạn thuê để đi tuần tiễu ban đêm coi chừng an ninh, mấy chú này nói có thấy con tôi ở bên ấy. Thế là an tâm về “nhà ḿnh”, buông màn xuống ngủ. Con út tôi lần đầu được ngủ màn nên rất thích.
Thiệt t́nh, tôi muốn ở lại nơi này lâu hơn nữa v́ thấy khách sạn mà sao giống như “nhà” của ḿnh ở tại VN vậy. Phải chi tôi được ở tại VN, trong một căn nhà đầy đủ tiện nghi và ở bên một băi biển đẹp như vây nhỉ?
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 08, 2004
-- Con Ho Dam Tac - Nong Duc Manh (Con_Ho_Dam_Tac@hn.vnn.vn), January 08, 2004.
Buổi Sáng Chia TayThắm thoát đă hơn 10 ngày chúng tôi sống bên cạnh nhau và trở thành thân thiết. Những người Việt tha hương từ Canada và nhiều tiểu bang khác nhau trên nước Mỹ đă gặp nhau và chia sẻ những ngày vui chơi thú vị ngay tại quê hương VN của ḿnh. Sáng sớm, đáng lẽ tôi có thể ngủ nướng v́ chuyến bay từ Đà Nẵng về Sài G̣n của gia đ́nh tôi măi đến chiều mới khởi hành, trong khi mọi người phải đi chuyến bay buổi sáng để tới Nha Trang. Nhưng tôi đă dậy sớm để ăn sáng với mọi người, đúng ra là chạy lăng xăng để từ giă mắc dù đă chào từ biệt vào bữa ăn tối hôm trước. Tôi xin e-mail của mọi người để cả nhóm dễ liên lạc với nhau. Con tôi ngủ trễ, làm mấy đứa nhỏ của gia đ́nh kia buồn hiu v́ không được gặp nhau thêm 1 lần cuối cùng. Dù sao, chúng tôi vẫn có cơ hội gặp nhau tại Sài G̣n nên cũng không đến độ ngậm ngùi cho lắm.
Mọi người ra đi, cả cậu em của tôi cũng đi với họ, c̣n lại ba mẹ con tôi và bố của chúng, không khí như chùng hẳn lại. Cả mười mấy ngày lúc nào cũng di chuyển, ăn uống, đi chơi… với một nhóm hai mươi mấy người, bây giờ cái cảm giác nó thay đổi đột ngột thật khó diễn tả. Chúng tôi đi bộ dọc bờ biển vắng, nghe tiếng sóng vỗ… Có lẽ đây mới thực sự là cái không khí đi nghỉ hè mà gia đ́nh tôi đă quen thuộc trong bao nhiêu năm qua. Đời sống bận rộn quanh năm, tới kỳ nghỉ hè chỉ muốn đến những nơi tĩnh lặng, nhất là nơi có những băi biển vắng. Thế mà đă hơn hai tuần qua, từ Sài G̣n ra Hà Nội rồi vào Trung, chúng tôi đă sống một chuỗi ngày ồn ào tiếp nối nhau mà chịu được th́ kể cũng lạ.
Con trai tôi 15 tuổi rất muốn được đi xe Honda hai bánh, bố nó liền hỏi thuê một chiếc rồi dạy cho nó chạy. Đường xá ở đây vắng người nên mới có dịp, chứ ở Sài G̣n th́ người lớn cũng chả dám nếu chưa quen. Thằng nhỏ thích vô cùng và chắc sẽ nhớ măi kỷ niệm này.
Tuy có trở lại phố cổ Hội An để lấy quần áo tôi đă đo may tối hôm trước, nhưng chúng tôi không ăn trưa ở đó mà lại đi taxi tới khách sạn Furama. Đến cho biết chứ, v́ những người VN “có máu mặt” ở Mỹ đă nhắc tôi nếu đi Đà Nẵng th́ hăy tới khách sạn Furama này mà ở (!). Giá khoảng 150 - 400 US dollars/ 1 pḥng. Ở th́ tôi xin chào thua, nhưng đến xem cho biết th́ được. Chúng tôi đi bộ ḷng ṿng để xem khung cảnh bên ngoài, liền bị nhân viên chặn lại không cho đi v́ không phải là khách cư trú của khách sạn. Vậy th́ tụi tôi vào tiệm, ăn uống trả tiền đàng hoàng cũng được, đâu có sao. Phải công nhận là khung cảnh bề thế sang trọng thật, khiến thằng con nhỏ của tôi cứ năn nỉ "lần sau ḿnh sẽ ở đây, được không?”. Tôi cười bảo con là mẹ cũng muốn ở thử cho biết, nhưng chỉ 1 ngày thôi rồi dọn ra chỗ khác ngay! Thiệt t́nh, tôi ṭ ṃ hơn là ham muốn được ở một khách sạn mắc như vậy ở VN hay ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng đó là giá cả ở VN nên tôi mới dám nghĩ rằng ḿnh sẽ “nếm thử cho biết mùi”, chứ khách sạn hạng sang ở các nước khác th́ cả tiền ngàn, chả bao giờ tôi dám tơ vương!
Chọn tiệm ăn lộ thiên bán thức ăn kiểu Ư của khách sạn để ngắm bao quát được khung cảnh, con tôi khấp khởi mừng v́ đă thèm pizza cả mấy tuần qua. Người tiếp viên ra lấy order nhưng chẳng đưa thực đơn ǵ cả. Ngó bàn bên kia thấy một gia đ́nh người Tây Phương đang xem thực đơn, chúng tôi phải hỏi hai, ba lần người tiếp viên này mới …hiểu ư và đưa thực đơn cho chúng tôi. Tôi thắc mắc hoài, chắc tiệm này nghĩ chỉ có dân Âu Mỹ mới có đủ tiền vào đây ăn, c̣n dân đầu đen chỉ đủ tiền …gọi nước uống thôi nên không cần thực đơn làm ǵ. Hoặc giả họ nghĩ chúng tôi không biết ăn đồ Ư, hay không biết đọc thực đơn các món Ư ??!!!
Nh́n vào thực đơn, có lẽ những nghi ngờ của tôi không sai lắm. Đồ ăn Ư loại thông thường ḿnh vẫn ăn trưa bên Mỹ mà mắc quá tổ, giống như đi ăn tối ở nhà hàng mắc tiền vậy. Chọn lựa một hồi, chờ đợi một hồi… Đồ ăn được mang ra, đúng là …món ăn nhẹ, v́ đĩa nào cũng có một …chút xíu! Con tôi ăn ngon miệng và khen rối rít! Ăn xong ra trả tiền: 75 dollars cho 4 người ăn bữa trưa chỉ hơi no! Thôi cũng được đi, ít ra ḿnh biết khách sạn Furama là như thế!
Cũng phải xuống bờ biển dạo một tí nữa chứ. Bờ biển đẹp, khách tắm lai rai… Không có ǵ đặc biệt, duy có một điều tôi không hiểu được. Đó là người ta trồng rất nhiều thông ngay bờ biển. Những cây thông như mới được trồng hàng loạt, san sát nhau. Lạ thật, tôi quen với cảnh những cây dưà, cây cọ ở vùng biển, và quen với cảnh rừng thông nơi miền núi. Ở đây người ta lại đem thông ở đâu về trồng sát bờ biển. Thông lại ưa khí hậu lạnh, mà vùng biển nóng thế này liệu có sống nổi không đây? Sau này có người nói cho tôi biết đó là những cây phi lao, giống như thông nhưng không phải là thông, và thường mọc ở vùng ven biển.
Buổi chiều… Một ngày lặng lẽ hơn tất cả mọi ngày…Nhóm du lịch giờ này chắc đă ở Nha Trang rồi, mẹ con tôi và bố chúng cũng lên máy bay trở lại Sài G̣n.
Về Lại “Nhà” Ở Sài G̣n
Về lại sân bay Tân Sơn Nhất, quang cảnh lần này đă trở nên quen thuộc hơn, nhưng nóng quá. Chúng tôi trở lại Grand Hotel, ở lại đúng căn pḥng hôm trước nên thấy giống như “về nhà” thiệt. Những ngày cuối cùng ở VN này tôi bị một mẻ điếng hồn khi buổi tối bước vào pḥng tắm và thấy một con thằn lằn đang chạy trên tường. Tôi lao ra khỏi pḥng tắm ngay và ngồi nghe tim đập th́nh thịch, tự giận ḿnh sao đă không nghĩ tới chuyện này từ trước để mà tránh. Nhưng làm sao tránh được v́ ngày xưa ở VN đă tôi đă biết thằn lằn ḅ trên tường là chuyện thường kia mà. Ngày đó tôi sợ thằn lằn lắm, không dám nh́n chúng chạy bao giờ và rất sợ lỡ chúng rớt vào người ḿnh th́ chắc tôi sẽ té xỉu v́ sợ. Qua Mỹ tôi thoát nạn được hai thứ thịnh hành ở VN vào buổi tối là thằn lằn và ma. Bây giờ không ngờ gạp lại ngay thằn lằn! Phải chờ tới sáng hôm sau tự nhủ ḿnh là ban ngày thằn lằn đi ngủ, tôi mới dám vào pḥng tắm trở lại.
C̣n hai ngày cuối cùng, đi mua sắm nốt cho xong. Lúc này mẹ con tôi đă có thể b́nh tĩnh băng ngang ḍng xe để qua đường. Tới khu Huỳnh Thúc Kháng mua DVD’s copy lậu khoảng hơn 1 US dollar 1 phim, rồi ở đường ǵ nữa tôi quên mất tê có nhiều tiệm bán software, dĩ nhiên cũng copy lậu, khảng 50 US cents một CD. Con út tôi được thể đ̣i mua Legos, nhưng tôi bảo con là chỉ những ǵ copy ra được như DVD và CD th́ mới có giá rẻ mạt, c̣n thứ ǵ không copy được th́ mắc hơn mua ở bên Mỹ. Vào coi giá th́ quả là như thế. Một bộ Legos để ráp một con khủng long nhỏ chẳng hạn, giá gần nửa triệu đồng VN tức là khoảng nửa tháng lương trung b́nh, thử hỏi nhà giàu cỡ nào mới có tiền mua đồ chơi cỡ đó cho con?
Rồi cũng ra Vũng Tàu bằng tàu cánh ngầm, chỉ 45 phút là tới nơi, sáng di chiều về. Leo lên chỗ tượng Đức Mẹ Băi Dâu, thăm ông anh họ làm linh mục tại một nhà nghỉ mát của nhà ḍng ở đó. Anh em họ mà từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ mới gặp nhau, ăn với nhau một bừa cơm khá vui. Sau đó gọi phôn cho Út Khờ biết để chị em gặp nhau. Đang đứng chờ th́ thấy chiếc xe van to đi vào cổng, xe ngừng lại th́ một cậu nhảy xuống. “Út Khờ đó hả? Xe của em hay của sở” “Dạ của sở, em nói tài xế cho ghé đây rồi đưa gia đ́nh chị ra Băi Sau". Cậu em tôi quen trên Internet này ở VN làm cho hăng BP oai ra phết đấy chứ! Đỡ cho tụi tôi một mớ tiền Taxi, v́ taxi ở đây có vẻ c̣n mắc hơn trong Sài G̣n. Ra băi sau ngồi trao đổi với nhau khá nhiều chuyện, nhưng rồi UK cũng phải về hăng làm việc tiếp. Ít ra gặp được những người bạn ảo trong Phố Rùm cũng bơ công đi nửa ṿng trái đất của tôi chứ.
Cô bạn nhỏ có nickname là “Bơ” mà tôi cũng quen trên Internet và đă gặp vài ba lần trước khi đi tour, một buổi tối xách xe Honda lại rủ “Chị dám ngồi xe em đi chơi hông?”. Đi liền chứ sợ ǵ, ngày xưa tôi từng ngồi sau xe Honda mà. Thế là tôi kê đít lên yên xe, Bơ cười: “Chị ơi, ngồi để chân hai bên đi.” Ờ nhỉ, ngày xưa đàn bà ngồi một bên, và đàn ông sau này cũng phải ngồi một bên luôn, để bọn giựt bóp không dễ dàng làm ăn được. C̣n bây giờ ngồi đàng sau ai cũng để chân hai bên hông xe hết. Tôi ngồi lại và cô em phóng đi. Buổi tối trời mát, đường phố Sài G̣n vẫn đầy ngập xe cộ và ồn ào bất kể ngày đêm. Ḍm chung quanh chắc có ḿnh tôi nắm chắc càng xe, c̣n ai cũng thản nhiên buông hai tay chẳng nắm giữ chi hết. Khi Bơ đi xiên vào ḍng xe để quẹo là tôi sợ hăi nhắm chặt mắt lại như khi đi roller coaster đang lao xuống dốc vậy. Ở Sài G̣n đi xe khi quẹo là phải như vậy nhưng ḿnh chưa quen thôi. Hai chị em vừa tṛ chuyện vừa đi ṿng ṿng qua khu Chợ Lớn. Ở đây vắng hơn chút nhưng rác rến nhiều quá. Ngày xưa tôi học ở giảng đường mới của Đại Học Khoa Học, nằm trên đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn, nhưng trong kư ức chẳng có ǵ để liên hệ được với đường phố bây giờ. Đi một hồi hai chị em ngừng lại ở chợ Tân Định, đậu xe kế các xe bán đồ ăn buổi tối ở cạnh chợ, và ngồi vào một bàn. Bơ nói “Em khao chị v́ có việc mới đó”. Bơ kêu sinh tố, tôi kêu bia, hai chị em kêu hột vịt lộn ăn chơi. Sau đó tôi chơi thêm một ly sâm bổ lượng, có nước đá cục hẳn ḥi. Ăn cho đă mà rốt cuộc hết có chừng 2, 3 dollars! Bơ trả tôi về lại khách sạn, bố sắp nhỏ c̣n ở đó với chúng để chờ tôi về rồi mới ra về nhà riêng ở G̣ Vấp. Tôi hí hửng kể chuyện đi dạo bằng xe Honda và ăn hàng cho con tôi nghe, bố chúng nghe xong kêu trời nói tôi sao dám liều mạng ăn uống lung tung như vậy. Nhưng rồi đâu có sao, có lẽ v́ tôi đă lớn lên ở VN, trong người đă được miền nhiễm rồi chứ đâu phải không. Vả lại từ hôm mới về tôi đă tập ăn từ từ mỗi thứ chút đỉnh cho quen, nên chả thấy bao tử có vấn đề ǵ hết.
Về Lại Mỹ Và Cảm Tưởng Về Chuyến Đi Tour Từ Hà Nội Vào Sài G̣n
Chúng tôi ra phi trường sớm để kịp qua các thủ tục trước khi lên máy bay. Điều tôi lo nhất v́ đă nghe nhiều người nói, là vụ mang theo DVD và CD’s. Nhiều người bảo đừng bỏ vào hành lư gởi riêng, mà nên bỏ vào cái sắc đeo trên người. Lư do ra sao tôi không biết. Ở chặng chót, sau khi đă chia tay những người tiễn ḿnh đi, con tôi bị khám xét và mớ DVD bị giữ lại. Cô nhân viên cứ cầm mớ DVD, nói những phim này có thể thuộc loại đồi trụy, không được mang theo mà phải bảo người nhà cầm về. Tôi thấy buồn cười ở chỗ nếu là phim đồi trụy th́ cứ việc tống đi cho nước khác lănh đủ, chớ ngu sao mà lại kêu người nhà ở VN mang về, giữ lại ở trong nước làm chi vậy? Thấy vô lư nhưng cũng chẳng biết phải xử sự ra sao để không gặp rắc rối, tôi bèn ngu ngơ lấy cớ là người nhà đâu có được vào trong này, hồi năy chia tay ngoài kia người ta về hết rồi, lấy ai cầm về bây giờ. Cô nhân viên nói tôi phải chờ để các phim này bị duyệt xét. Tôi yên lặng. Chắc cô thấy có làm khó dễ thêm th́ tôi vẫn ngu không hiểu nổi ư của cô, nên cho mẹ con tôi đi cho rồi. Mà tôi muốn ngu như thế thật, chừng nào cô “can đảm” nói rơ ư cô muốn tôi cho tiền, th́ tôi sẽ hiểu và làm theo ư cô, nhưng cô không có can đảm nói rơ ư đồ của cô ra th́ tôi cứ ngu thế đấy.
Ngồi trên máy bay rồi, tâm trạng tôi khó diễn tả quá. Tôi thấy như ḿnh vừa trải qua một giấc mộng! Tâm trạng này kéo dài cho tới khi tôi về lại Mỹ được mấy ngày mới hết. Trong mấy tuần ở VN, tôi thực sự xa hẳn cuộc sống thực tế của ḿnh. Ngày nào cũng rong chơi, không phải làm ǵ đụng tới móng tay, cần ǵ cũng có người phục dịch. Được xem những nơi đẹp nhất, ở những khách sạn loại khá sang, ăn những nơi có tiếng và những món đặc biệt của từng vùng. Tiền mang theo tha hồ tiêu, chẳng phải tính toán suy nghĩ chi cả. Ngược lại, th́ những dịch vụ trong chuyến tour cũng được sắp xếp để tŕnh bày cho chúng tôi những ǵ đẹp nhất, sang trọng lịch sự nhất và mọi tốn kém coi như không thành vấn đề đối với khách du lịch. Tất cả chỉ là tạo ấn tượng, ấn tượng, và ấn tượng. Ấn tượng một đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng. Ấn tượng đời sống tại Việt Nam không thua kém các nước Tây Phương văn minh. Ấn tượng văn hoá nghệ thuật Việt Nam đáng trầm trồ khen ngợi. Ấn tượng người ngoại quốc phải đổ xô vào VN xem cho biết một đất nước đáng được biết,v.v… C̣n đời sống thực tế ra sao? Rất tiếc suốt chuyến đi tôi không được biết một tí ǵ về đời sống của người dân lam lũ ở khắp nơi trên đất nước ḿnh, ngoại trừ cảnh người lớn và trẻ em xúm đến chào mời mua hàng mà chúng tôi không mua v́ không cần, những người quẩy gánh hoặc đẩy xe bán hàng rong, và những người ăn xin tàn tật… Chúng tôi được đối xử trong thế giới của những người sang trọng giàu có, và chúng tôi cũng làm ra vẻ như thế thật, v́ chúng tôi trả tiền để được như vậy mà. Thế ra chúng tôi vừa diễn xong một vở kịch cả với nhau, và bây giờ tôi trở về với đời sống thưc tế của ḿnh, với bổn phận hằng ngày, và đi cày tiếp để sinh sống. Ít ra, tôi được biêt tận mắt những cái đẹp đẽ của đất nước Việt Nam, và không biết có nên biết thêm những cái khác không?. (Hết)
-- ngongoclan (ngongoclan@thuviet.com), January 08, 2004
-- Con Ho Dam Tac - Nong Duc Manh (Con_Ho_Dam_Tac@hn.vnn.vn), January 08, 2004.